Wednesday, October 14, 2020

Lời tựa của “Jani-ken! Twenty Twenty Janizu Kenkyu-bu” (NXB Hara Shobo)


ALL REVIEW (14/7/2020)
Tên sách: Jani-ken! Twenty Twenty Janizu Kenkyu-bu
(Jani-Lab! Phòng nghiên cứu Johnny’s Twenty Twenty)

Tác giả: Otani Yoshio, Hayamizu Kenro, Yano Toshihiro
Nhà xuất bản: Hara Shobo
Định dạng: Sách 1 tập (bìa mềm) (360 trang)
Ngày phát hành: 23/06/2020
ISBN-10: 4562057750
ISBN-13: 978-4562057757

Giới thiệu nội dung:
Các nhà phê bình thuộc thế hệ SMAP, Arashi nhận xét tỉ mỉ về các tác động đến xã hội, nguồn gốc những đầu đề bàn tán, ý nghĩa, và lịch sử nền văn hóa kỳ diệu được mở ra từ văn phòng Johnny.
SMAP giải thể, Arashi tuyên bố tạm ngừng hoạt động, mở rộng lên internet, và Johnny Kitagawa qua đời… Các idol cho thấy điều gì giữa thời đại đầy biến động?
Phiên bản bổ sung và cải tiến đáng kể của “Jani-ken! Janizu Bunkaron” (Jani-Lab! Văn hóa luận Johnny’s) xuất bản năm 2012.

“Nếu không tiếp xúc với lịch sử của Johnny’s, sẽ không thực sự hiểu được mối quan hệ giữa sự ảnh hưởng và du nhập văn hóa tồn tại giữa hai nước Nhật Bản - Hoa Kỳ trong 70 năm sau chiến tranh, hay nói cách khác, là “lịch sử Nhật Bản hậu chiến”.”

Nếu lần theo những gì Johnny’s đã mang đến - lịch sử của thần tượng, âm nhạc, sân khấu, quảng cáo, và… nền văn hóa kỳ diệu, chúng ta sẽ chạm đến tận lịch sử thời hậu chiến của Nhật Bản!

Chúng tôi xin đăng công khai lời nói đầu của quyển sách “Jani-ken! Twenty Twenty Janizu Kenkyu-bu”, tác phẩm của một nhóm những nhà phê bình nhiệt huyết, đã xem xét kỹ lưỡng sức ảnh hưởng của những kỳ công mà văn phòng Johnny’s đã tạo ra đến xã hội, văn hóa, và lịch sử.

◆Johnny's là bản thân lịch sử hậu chiến của Nhật Bản

Ngày 9/7/2019, Kitagawa Hiromu, chủ tịch văn phòng Johnny’s đã qua đời. Hưởng thọ 87 tuổi, ông là một nhân vật quan trọng trong giới giải trí thời hậu chiến, đã sản sinh ra nhiều nhóm idol hàng đầu và được Guiness chứng nhận là “người sản xuất nhiều concert nhất”, “người sản xuất nhiều single đạt No.1 nhất”. Cùng với kết thúc của thời Heisei, ông Johnny cũng lui gót khỏi sân khấu giải trí Nhật Bản.

Đây là quyển sách nghiên cứu về “Johnny’s”. Ấn bản đầu tiên của sách này “Jani-ken! Janizu Bunkaron” được xuất bản vào năm 2012, đánh dấu 50 năm thành lập văn phòng Johnny’s. Các nhóm ra mắt gần nhất vào thời điểm đó là Sexy Zone và ABC-Z. Từ bấy đến nay, tức cho đến đầu hè năm 2020, đã có rất nhiều điều xảy ra với văn phòng Johnny’s và các tài năng của họ. Chúng tôi sẽ đề cập chi tiết từng sự kiện trong chương chính cùng với bảng niên đại tương ứng, nhưng khi chúng tôi chính thức bắt tay vào làm bản cải tiến và bổ sung từ những biến động trong vài năm qua, thì ông Johnny qua đời.

Trong ấn bản đầu tiên, chúng tôi đã không đánh giá từ quan điểm độc lập, về nhân vật mang tên “Johnny Kitagawa”, người đã tạo ra, phát triển và thành công một production chưa từng có trong lịch sử nghệ thuật Nhật Bản, tức Johnny’s Jimusho.

Ví dụ, chúng tôi tự tin rằng nguồn gốc và phân tích của “cảm nhận nhạy bén của Johnny-san” được tập trung đề cập trong Chương 5 “Johnny’s và Musical” là nội dung mang tính đột phá chưa từng thấy trong các sách cùng loại trước đây. Ngay cả nhìn từ hiện tại khi ông Johnny đã qua đời, thì những chủ đề được đặt ra ở đó lại càng trở nên quan trọng hơn. Trước tiên tại đây, chúng tôi muốn nói sơ qua về lý lịch của người tên Johnny Kitagawa, bao gồm cả những thông tin chưa được làm sáng tỏ tại thời điểm của ấn bản đầu tiên.

◇Lý lịch Johnny-san

Johnny Kitagawa, tên thật Kitagawa Hiromu, sinh năm 1931 tại Los Angeles, Mỹ, cha mẹ đều là người gốc Nhật. Cha của ông, Kitagawa Taido, là tăng lữ của giáo phái Koyasan Shingon, đảm nhiệm chủ giám đời thứ 3 của phân viện Hoa Kỳ. Ông có một anh trai (Masakazu) và một chị gái (Yasuko).

Năm 2 tuổi đến Nhật Bản bằng đường biển, và sơ tán đến Wakayama trong chiến tranh thế giới. Bị nạn trong trận không kích ở Wakayama. Sau chiến tranh, ông trở về Los Angeles và học lên trung học. Ông cũng giúp làm thông dịch viên khi Kasagi Shizuko và Misora Hibari đến biểu diễn ở Los Angeles. Sau đó ông đi quân dịch trong chiến tranh Triều Tiên, đến Nhật Bản vào năm 1952, sau đó điều đi bán đảo, sau khi xuất ngũ ông làm việc cho Đoàn cố vấn quân sự của Đại sứ quán Hoa Kỳ, và sống tại Washington Heights ở Yoyogi.

Vừa rồi, chúng tôi đã viết là “đến Nhật Bản”. Không phải là “về nước”. Thực tế, anh trai của ông Johnny đã chọn lưu lại Mỹ và làm việc cho NASA với tư cách nhà nghiên cứu người Mỹ. “Johnny” trong cái tên bắt nguồn từ tên đệm “John” của ông, nói cách khác, Johnny Kitagawa chính là “John H.Kitagawa”, một “người Mỹ gốc Nhật thế hệ thứ hai” đến Nhật Bản từ Hoa Kỳ -- Từ góc độ này, chúng tôi Jani-Lab, đã định vị “Johnny’s” là “văn hóa giải trí được nhập khẩu vào Nhật Bản từ Hoa Kỳ” trong lịch sử hậu chiến, và cố gắng nhìn nhận lại toàn diện ý nghĩa của nó.

Năm 1952 khi ông Johnny đến Nhật Bản, là năm mà Nhật Bản, nước bị chiếm đóng sau khi bại trận bởi lực lượng đồng minh với trung tâm là Hoa Kỳ, được khôi phục lại chủ quyền. Việc ông Johnny đến Nhật Bản hoán đổi với việc thống tướng MacArthur về nước mang tính tượng trưng. MacArthur đã bố trí chính sách chiếm đóng Nhật Bản thời hậu chiến, giải thể tài phiệt, giải phóng đất nông nghiệp, phân phối Hiến pháp, dân chủ và chocolate, và thành lập Đội cảnh sát dự bị. Johnny, người kế thừa sau đó, đã lần lượt sản sinh ra những nhóm các cậu trai có gương mặt đáng yêu trong xã hội Nhật Bản ổn định lâu dài này, từ thời kỳ phát triển cao độ, trải qua giai đoạn bong bóng, và tiếp tục cho đến thế kỷ 21. Ông cho họ diễn kịch phản chiến và tư tưởng “Show must go on” trên sân khấu, đồng thời tạo ra một “Đế chế Johnny’s” mang tính nghệ thuật vì nghệ thuật, và bình đẳng, khi gọi nhau bằng hậu tố “-kun” chứ không phải -senpai -kohai (tiền bối, hậu bối).

Vương quốc những chàng trai của văn phòng Johnny’s là thế giới trong mơ do một người Mỹ gốc Nhật thế hệ thứ hai thực hiện, dưới chủ nghĩa dân chủ sau chiến tranh của Nhật Bản. Đó là quan điểm của chúng tôi ngay từ giai đoạn ấn bản đầu tiên “Jani-ken!” của năm 2012.

Ngay cả hiện tại khi ông Johnny đã qua đời, quan điểm này về cơ bản vẫn không thay đổi. Tuy nhiên, trong sự biến động của “xã hội chủ nghĩa dân chủ hậu chiến” mang tính lịch sử đã và đang tiếp tục diễn ra trong khoảng 10 năm qua, sau cái chết của ông Johnny, thì có lẽ “Johnny’s” cũng buộc phải một lần nữa thay đổi.

◇Tầm nhìn năm 2020

Lần này, bản cải tiến và chỉnh sửa mới “Jani-ken! Twenty-Twenty” (viết tắt là Bản TwenTwen) được tạo thành dựa trên sự kế thừa nội dung và phân chương trong ấn bản 1, ghi chép cuộc thảo luận giữa ba chúng tôi dựa theo các sự kiện của văn phòng Johnny’s xảy ra từ năm 2013 đến 2020, và bổ sung các bản thảo tùy từng thời điểm vào những phần có vẻ phù hợp. Ngoài những nội dung sự kiện xảy ra vào khoảng 2011 - 2012 là cơ sở của ấn bản thứ nhất, còn có những chủ đề được bàn tán trong lúc ba chúng tôi thảo luận.

Chương 1 là “Johnny’s và Debut”. Chúng tôi lần theo các câu chuyện vào thời điểm single ra mắt của các nhóm nối tiếp nhau, đồng thời phân tích cá tính và tính âm nhạc của từng nhóm. Bốn nhóm được thêm mới trong “Bản Twen-Twen” là Johnny's WEST, King & Prince, SixTONES và Snow Man. Chúng tôi cũng đề cập đến những thần tượng ra mắt trong cái gọi là “kỷ nguyên mùa đông” vào nửa sau thập niên 70. Ngoài ra, Yano Toshihiro cũng viết một chuyên mục phân tích xu hướng của âm nhạc Johnny’s những năm gần đây, gọi là “Sự phát triển của Dance Music từ năm 2013”.

Chương 2 là “Johnny’s và Concert”. Thực trạng của “Concert Johnny’s là gì?” mà người ngoài vốn không hiểu rõ, chúng tôi sẽ nghiên cứu kỹ bằng cách tham khảo các DVD concert của nhiều nhóm khác nhau. Chúng tôi cũng viết thêm về Kis-My-Ft2 và Hey! Say! JUMP, mà chúng tôi đã không thể bàn luận được nhiều trong ấn bản đầu tiên. Các mục bổ sung là về DVD concert những năm 2010 của Arashi do Otani Yoshio viết, và concert của NEWS do Yano viết.

Chương 3 là “Johnny’s và Disco”. Một chủ đề khác lạ, nhưng “Disco” ở đây không chỉ đơn giản là một thể loại âm nhạc, mà là đề cập tổng thể của nhạc pop được công nghệ hóa cao cùng văn hóa của nó, bao gồm cả thời trang. Bắt đầu với 5 bài Disco do Jani-Lab lựa chọn, những “thành phần Disco” liên tục có trong Johnny’s cùng những nguyên nhân của nó, sẽ được “đưa lên thớt bàn luận”. Chương này cũng bổ sung một lượng đáng kể về công việc của “Yamashita Tatsuro”, một người đang ngày càng gia tăng sức hiện diện trong những năm gần đây. Chuyên mục mới nói về “Dance trong thập niên 2010” do Otani viết.

Chương 4 là “Johnny’s và Tie-up Business”. Chúng tôi nói về cách Johnny’s các thế hệ đã đại diện cho mong muốn “tiêu dùng” trong mỗi thời đại như thế nào. Phái sinh từ câu chuyện Tie-up (liên kết), chúng tôi thêm một phần thảo luận khá dài về việc Johnny’s sẽ liên quan đến Tokyo Olympic dự kiến tổ chức vào năm 2020 (đã hoãn!) như thế nào. Chuyên mục mới là “Johnny’s và Các dự án quốc gia - văn phòng chính phủ”. Chúng tôi viết về sự tham gia của Johnny’s vào các chiến dịch dự án quốc gia đã gia tăng trong những năm gần đây.

Chương 5 là “Johnny’s và Musical”. Trong phần bổ sung đáng kể từ ấn bản 1, chúng tôi phân tích chi tiết series “JOHNNYS’ World” có thể xem là cốt lõi của sân khấu Johnny’s trong thập niên 2010. Ý nghĩa của tác phẩm này, mà bản thân ông Johnny xuất hiện như nhân vật chính, vẫn chưa được làm sáng tỏ hoàn toàn. Ngoài ra, chúng tôi cũng viết về “Shounentachi” được công chiếu vào năm 2019, movie do ông Johnny lần đầu tổng chỉ đạo sản xuất. Nội dung của chương này nơi “John H.Kitagawa” hiển hiện từ phân tích các yếu tố “Hòa” trong “Johnny-san”, sẽ là phần mà tính độc đáo của Jani-Lab chúng tôi được thể hiện mạnh mẽ nhất.

Về chương 6, trong ấn bản đầu tiên, chúng tôi đã mời cây bút viết về thần tượng Nanba Kazumi làm khách mời, để thảo luận thuyết so sánh về thần tượng, lần này chúng tôi thay đó bằng chủ đề “sống 13 tháng sau khi mất Johnny”, xem xét những biến đổi của văn phòng Johnny’s sau khi ông Johnny qua đời, và viết một bản thảo hoàn toàn mới về tương lai của Johnny’s. Internet và Johnny’s, vấn đề lao động và Johnny’s, “Chủ nghĩa Johnny’s” có thể kế thừa không, v.v…, nội dung chương này sẽ khiến bạn cảm nhận được “thần tượng là tấm gương phản chiếu thời đại”.

◇Chúng tôi là ai

Xin lỗi vì không giới thiệu sớm hơn, “Jani-Lab” chúng tôi bao gồm ba thành viên, Otani Yoshio, Hayamizu Kenro, và Yano Toshihiro. Về cơ bản, chúng tôi không phải là những fan cuồng nhiệt của Johnny’s. Ngoài ra, các lĩnh vực chuyên môn từ trước đến nay cũng ít nhiều nằm ngoài Johnny’s.

Otani Yoshio, là nhà phê bình và người chơi nhạc jazz, sinh năm 1972 (cùng năm sinh với Nakai Masahiro, Kimura Takuya, Yamaguchi Tatsuya và Nagano Hiroshi). Công việc của một nhạc sĩ - người sáng tác tất nhiên không liên quan đến nghệ thuật giải trí của Johnny’s, nhưng có một khoảng cách nhỏ giữa Johnny’s và lĩnh vực jazz. Một nhà phê bình như Otani cũng không liên hệ gì đến thần tượng. Nhưng, những phần liên quan đến phân tích chức năng và cấu trúc âm nhạc trong nghệ thuật giải trí, popular music thế kỷ 20 của Mỹ cùng lịch sử sân khấu và dance liên quan, có thể nói là lĩnh vực nghiên cứu chuyên môn của Otani.

Tiếp theo là Hayamizu Kenro, nhà văn kiêm biên tập viên sinh năm 1973 (cùng năm sinh với Inagaki Goro). Lĩnh vực nghiên cứu rất rộng, nhưng chuyên môn nhất về văn hóa tiêu dùng và văn hóa Mỹ. “Lịch sử các bài hát tie-up” là một trong số các tác phẩm của anh, và anh cũng chuyên về lĩnh vực liên quan đến quảng cáo và âm nhạc, nên đã tham gia vào nghiên cứu Johnny’s với trọng tâm là phân tích các công việc liên quan đến quảng cáo và tie-up của Johnny’s.

Cuối cùng là Yano Toshihiro, nhà phê bình - DJ sinh năm 1983 (cùng năm với Ninomiya Kazunari, Matsumoto Jun, Maruyama Ryuhei, Ueda Tatsuya, Nakamura Yuichi), chủ yếu tham gia vào các hoạt động bình luận, trọng tâm là âm nhạc và văn học. Anh cũng là giáo viên môn quốc ngữ bậc trung học cơ sở, và đề cập đến Johnny’s từ góc độ lịch sử giáo dục. Do quan tâm đến lịch sử văn hóa đại chúng, nên có nhiều năm nghiên cứu và thu thập đĩa hát các ca khúc được gọi là “Wa-mono”, cũng dõi theo sít sao quá trình lịch sử về âm nhạc của Johnny’s. Sau khi phát hành ấn bản đầu tiên, anh cũng cho ra mắt quyển sách độc lập tựa đề “SMAP wa Owaranai” nhưng sự kiện… xảy ra ngay sau đó(*), cũng sẽ được đưa vào nội dung chính quyển sách này.

(*) Tựa đề sách nghĩa là “SMAP sẽ không kết thúc”, nhưng sau khi sách phát hành không lâu thì SMAP tan rã.

◇Sẽ không thể thực sự hiểu được “lịch sử hậu chiến của Nhật Bản” mà không chạm vào lịch sử của Johnny’s

Là những người được chia làm 2 nhóm thuộc thế hệ SMAP và thế hệ Arashi, điều chúng tôi muốn chia sẻ là cảm xúc, rằng nếu không tiếp xúc với lịch sử của Johnny’s, sẽ không thực sự hiểu được mối quan hệ giữa sự ảnh hưởng và du nhập văn hóa tồn tại giữa hai nước Nhật Bản - Hoa Kỳ trong 70 năm sau chiến tranh, hay nói cách khác, là “lịch sử Nhật Bản hậu chiến”. Hiện tại SMAP đã tan rã, Arashi tuyên bố tạm ngừng hoạt động, lại một lần nữa chúng tôi nghĩ rằng, đã đến lúc chúng tôi nhìn lại chặng đường đã đi, và lựa chọn lại tương lai từ giờ về sau.

Năm 2015, ông Johnny đã bày tỏ về việc chọn lại Nhật Bản làm quốc tịch, từ tình trạng có song song hai quốc tịch Mỹ - Nhật trước đó (tham khảo chương 6). Kết quả là, những năm cuối đời ông đã sống và chết với tên gọi “Kitagawa Hiromu”, thay vì “John H.Kitagawa”. Chúng tôi không biết điều này có ý nghĩa thế nào đối với ông ấy. Nhưng Jani-Lab chúng tôi hiểu rằng, chính tính hai mặt phức tạp mà ông Johnny đã đảm nhận trong cả cuộc đời, mà ví dụ tiêu biểu là “hai quốc tịch” này, là một trong những nguồn gốc tạo nên sức hấp dẫn của thần tượng Johnny’s.

Nhằm hướng tới thời đại sau khi ông Johnny qua đời, “Jani-Lab!” cũng sẽ tái khởi động. Bây giờ thì, xin mời thưởng thức quyển sách.

No comments:

Post a Comment