Thursday, October 1, 2020

“Huyền thoại một Diva: Dấu tích và Phép màu của Nakamori Akina” (Kỳ 28)

Quảng bá “Shojo A” liên kết với album…
Từ bỏ chiến dịch thành phố 300.000 người trên toàn quốc

zakzak (16.06.2020)


Sức hút của Nakamori Akina không chỉ ở giọng hát, mà còn ở khả năng biểu cảm tuyệt vời. Năng lực hóa thân thành nhân vật chính của bài hát nổi bật so với các ca sĩ thần tượng khác.

Về “Shojo A”, ban đầu Akina nhầm tưởng “A” chính là mình nên đã từ chối “không muốn hát”, nhưng đến lúc hát thì vẫn thể hiện một màn trình diễn giàu biểu cảm chỉ có ở Akina.

Urino Masao, người viết lời cho “Shojo A”, đã kể về câu chuyện đằng sau sự ra đời của ca khúc, trong một cuộc phỏng vấn với Oricon (ngày 16/7/2016).

“Lúc đó tôi vẫn còn nghiệp dư. Tôi chưa từng viết lời cho một thần tượng nào cả. “Shojo A” đã có phần lời trước, nhưng giai điệu ban đầu thì khác hoàn toàn với “Shojo A” mà mọi người biết đến bây giờ.”

Ban đầu, đó là một tác phẩm có tên “Lolita” được viết lời cho Sawada Kenji. Nhưng nó bị từ chối. Sau đó, “Nhân viên của Warner Pioneer (nay là Warner Music Japan) lúc đó rất thích lời bài hát của tôi, nên quyết định sẽ chỉ để lại lời bài hát. Tiếp theo họ giao cho anh Serizawa (Hiroaki) thêm vào phần nhạc mới, nhưng không phải là giao lời của tôi cho anh ấy soạn nhạc, mà là kiểm tra những bản nhạc dự trữ của anh Serizawa. Cuối cùng, đã chọn được 1 bản nhạc có giai điệu hợp với phần lời này.”

Bản nhạc được chọn có tên là “Aoi Chagall no E”, đã có lời rồi, nhưng lời “Shojo A” của Urino hoàn toàn phù hợp.

“Anh Serizawa rất tài năng, nên tôi nghĩ anh đã thay đổi một chút phần điệp khúc được một người nghiệp dư (là tôi) viết.”

“Shojo A” được hoàn thành sau bao lần vừa làm vừa sửa, vào thời điểm đó chắc chẳng ai ngờ nó sẽ trở thành tác phẩm làm nên tên tuổi của Urino.

“Shojo A” được phát hành vào ngày 28/7/1982. Ông Tomioka Nobuo (hiện là giám đốc đại diện của momo&grapes company), người thuộc bộ phận quảng bá âm nhạc Nhật Bản của Warner, và phụ trách quảng bá cho Akina, đã lên kế hoạch tăng doanh số bằng cách liên kết với album “Prologue (Jomaku)” được phát hành trước đó. Và cũng thực hiện kỹ lưỡng “Akina Shimbun”, vốn được xuất bản vào thứ 6 hàng tuần cho các cửa hàng băng đĩa, điểm kinh doanh toàn quốc và phương tiện truyền thông từ trước khi debut.

“Nói chung là có rất nhiều nội dung. Tôi vừa thêm ảnh, vừa biên soạn thông tin và cuộc sống thường nhật của Akina. Tất nhiên một mình đảm đương rất vất vả, nhưng cảm nhận sự hưởng ứng tăng lên mỗi ngày, có lẽ đã trở thành nguồn động lực cho tôi. Hơn nữa, album đã nằm trong Best Ten vào lần xuất hiện đầu tiên, nên đương nhiên tôi cũng nghĩ single thứ 2 cũng có thể lọt vào Best Ten. Nhưng cho dù lời mời phỏng vấn từ các tạp chí có tăng lên, thì mảng truyền hình vẫn chưa tốt lắm. Tuy nhiên, vì vẫn xuất hiện trên chương trình “Yanyan Utau Studio” của TV Tokyo như thường lệ, và tất nhiên “Star Tanjou!” (Nippon TV), nên độ nhận diện chắc chắn có tăng lên.”

Trong lúc đó, Tomioka cũng bắt đầu điều chỉnh lịch trình để thực hiện chiến dịch thành phố 300.000 người trên toàn quốc như dự kiến.

“Tôi nghĩ sẽ có hiệu quả nếu lặp lại chương trình quảng bá vòng quanh cả nước một cách đều đặn. Và thời điểm nghỉ hè cũng rất phù hợp… Vậy là, trong 7 thành phố lớn, ví dụ như Hokkaido thì thêm Asahikawa và Hakodate vào Sapporo. Ở Kyushu thì thêm Miyazaki và Kumamoto vào Fukuoka... tôi đã đề xuất một chiến dịch vòng quanh các thành phố với dân số hơn 300.000 người. Tuy nhiên, vì ngày phát hành single đang đến gần nên lịch trình cũng kín hơn, vả lại vào mùa hè, nên chúng tôi phải cân nhắc tình trạng sức khỏe của Akina, cuối cùng chúng tôi đánh giá sẽ rất khó để thực hiện chiến dịch 300.000 người đó. Không còn cách nào khác, nhưng thú thật thì tôi đã rất tiếc.”

“Shojo A” có mặt lần đầu trên bảng xếp hạng Oricon vào ngày 9/8/1982 ở vị trí thứ 40. Số lượng bán ban đầu chỉ 5410 bản. “Đó là một khởi đầu khó khăn về số lượng”.

(Phóng viên giải trí: Watanabe Yuuji)

No comments:

Post a Comment