Wednesday, July 22, 2020

[Phỏng vấn] Milet “eyes” interview

Album đầu tiên được tạo ra như “con người” 
đối diện với âm nhạc
Ca sĩ kiêm nhạc sĩ millet, debut vào mùa xuân năm 2019, vỏn vẹn trong vòng 1 năm đã cho ra mắt 5 tác phẩm. Full album đầu tiên của cô “eyes” được phát hành vào ngày 3/6.

Đã thu hút sự chú ý lớn ngay từ tác phẩm debut “inside you EP”, vừa gánh nặng kỳ vọng trên vai vừa gửi đến thế gian những tác phẩm với tốc độ kỷ lục, giờ cô ấy đang cảm nhận điều gì để tạo ra album này. Ongaku-Natalie đã có buổi phỏng vấn với milet, và lắng nghe những suy nghĩ của cô đối với âm nhạc, cũng như quá trình tạo ra “eyes”.

(PV - Tsuzura Reiko)
[Nguồn] Natalie (3/6/2020)

MỖI BÀI HÁT ĐỀU LÀ CHÍNH TÔI NHƯNG CÓ SỰ KHÁC BIỆT…


──Cuối cùng đã hoàn thành album rồi. Đầu tiên, tôi rất ngạc nhiên về số lượng toàn bộ 18 bài.

Cho đến nay tôi đã phát hành 5 tác phẩm, tôi muốn đưa vào ít nhất 2 bài hát từ mỗi tác phẩm, chỉ bao nhiêu đó thôi cũng thành 10 bài rồi. Nhưng vẫn còn nhiều bài tôi muốn mọi người nghe lắm, kết quả đã trở thành 18 bài. Mỗi bài đều mang màu sắc khác nhau, tôi mong mọi người sẽ kết hợp toàn bộ lại và nghĩ đến milet. Và nó đã trở thành 18 bài như vậy đấy.

──Nhiều bài hát mới có lời toàn tiếng Anh nhỉ.

Thật vậy, tôi đã tự do sáng tác. Khi tự do sáng tác, lời tiếng Anh có phần nhiều hơn, nhưng gần đây tôi bắt đầu dần hiểu cảm giác rằng “âm thanh này thật hợp với tiếng Nhật”, nên giữa chừng cũng có những bài chuyển sang tiếng Nhật. Ban đầu “STAY” được viết bằng tiếng Anh, nhưng sau đó tôi đã đổi thành tiếng Nhật.

──”STAY” có giai điệu nhạc phương Tây, tôi cảm thấy rằng đấy là điều tự nhiên phát ra từ bên trong milet.

Đúng vậy, sự đơn giản và nhẹ nhàng của tôi thường xuất hiện trong các bài hát. Đó là bài hát được làm ra để hát ngân nga.

──Có một số bài hát pop như thế này, cũng có những bài hoàn toàn u tối, lại có những bài rất hoành tráng, tôi nghĩ đó là album không thể mô tả được chỉ bằng một từ. Cho đến nay đã có 5 lần phỏng vấn rồi, nhưng tôi vẫn chưa thể có được bức tranh hoàn chỉnh về milet. Khi tôi nghe album lần này, suy nghĩ đó lại càng mạnh mẽ hơn.

Ồ, tệ thật (cười). Nhưng tôi cũng hiểu điều chị nói. Mỗi bài hát đều là chính tôi cả, nhưng ngay cả tôi cũng nghĩ có sự khác biệt lớn giữa những ca khúc tươi sáng và u tối. Đặc biệt cảm giác rơi một mạch từ “STAY” đến “Dome”, khá là tuyệt phải không. Khi quyết định thứ tự bài hát cho album lần này, producer cũng đã lo lắng rằng “Có ổn không?” “Nếu có gì phiền não thì hãy nói nhé” (cười).



PHONG CÁCH SÁNG TÁC KÍCH ĐỘNG CÙNG PRODUCER


 ──Bạn đã sáng tác nhiều loại ca khúc rồi, bạn nghĩ bài hát nào là thử thách?

“Until I Die” có âm thanh heavy band, tuy “cùng tồn tại” với bản thân tôi nhưng từ giờ đó là sẽ ca khúc mất chút thời gian. Tôi có thói quen tìm kiếm thứ âm nhạc có thể thư giãn, chứ không có khuynh hướng hát những bài hát kiểu alterna.

──Ca khúc debut “inside you” cũng có âm thanh theo lối alterna, nhưng đó không phải là “vương đạo” đối với milet nhỉ.

Đúng thật. “inside you” là ca khúc mà Toru-san của ONE OK ROCK đã chơi guitar bên cạnh, và giai điệu đã tự nhiên sinh ra trong lúc làm việc. Qua nhiều lần hát live, tôi đã có thể thuyết phục bản thân rằng loại giai điệu này có tồn tại trong tôi. Mặt khác, để biến “Until I Die” thành ca khúc mang chất alterna, đó là lần hiếm hoi tôi đã bắt đầu sáng tác dựa trên guitar điện, cũng có những phần vẫn chưa quen, dần dần đã ở lại trong tôi. Thật ra, tôi không có ý định sẽ đặt một tiêu đề đáng sợ kiểu “Until I Die”, nhưng thời điểm làm demo, tôi đã tự nhiên hát ra như vậy. Nói ra một cách vô thức như thế, cả tôi cũng thấy có chút đáng sợ.

──Cho đến nay, milet đã hợp tác với nhiều producer, bao gồm cả Dokku-san (Ryosuke “Dr.R” Sakai). Nhưng cảm giác như bạn vẫn giữ nguyên chính mình mà không bị những người hợp tác làm ảnh hưởng.

Tôi nghĩ mọi người, theo một ý nghĩa tốt, đã giao phó cho tôi, ủy thác cho tôi. Nhiều lần trong lúc làm việc chung, có những lúc chúng tôi ăn ý với nhau, có những lúc tôi có những yêu cầu như là “đừng dùng âm thanh này” hay là “cách ghi giai điệu chỗ này có chút khác”..., thì các producer đều hiểu được cá tính ấy của tôi. Tôi cũng đưa ra những ý tưởng với kỳ vọng rằng, nếu là Dokku-san thì sẽ chế biến thật tốt giai điệu mộc mạc này.

──Sự hiện diện của các producer đối tác rất lớn nhỉ.

Lớn thật nhỉ. Ngược lại, tôi cũng muốn thể hiện được cá tính của họ. Tôi muốn rút ra vị đắng gắt, và thử kết hợp chỉ phần đó vào âm nhạc của mình. Giờ do vẫn tập trung vào tôi nên kết thúc thành hình dạng đẹp đẽ, nhưng tôi nghĩ có lẽ mọi người sẽ cho ra thêm một chút vị đắng chát (cười). Có thể nói những producer được ghi credit phần biên khúc ít khi được giới thiệu nổi bật trên các phương tiện truyền thông, nhưng tôi muốn thể hiện sự thú vị của họ nhiều hơn nữa!

──Bạn cảm thấy thế nào trong quá trình sáng tác?

Ôi, chúng tôi kích động lẫn nhau. Có những trận chiến kiểu như là “Anh còn làm được nhiều hơn thế mà, làm cho tởm hơn nữa nào!” (cười), rồi khích nhau với cảm giác rằng sẽ thể hiện triệt để phần cực đoan của bản thân. Kết quả, tôi rất vui khi mọi người nói những điều đại loại như “Lần đầu tiên tôi làm được thế này đấy”. Sẽ thú vị hơn nếu có thể tìm ra những điều họ chưa từng làm trước đây.

──Tôi hiểu rồi. Vì thế tuy làm việc với cùng một người, nhưng luôn có sự thích thú.

Đúng thế, hình thức hợp tác cũng dần dần thay đổi. Ví dụ như là Dokku-san, nếu so sánh tác phẩm gần đây “Without Your Love” với tác phẩm thời kỳ đầu “Parachute” sẽ thấy âm thanh sử dụng đã khác. Thật thú vị khi thấy được sự thay đổi của bây giờ và ngày xưa khi bạn tiếp tục làm việc với cùng một người.



PHẢI CHO THẤY NHỮNG GÌ CỰC TỐT!


──”Grab the air” được Kamikaze Boy của MAN WITH A MISSION cung cấp, duyên cớ việc này thế nào?

MAN WITH A MISSION đã tham gia làm ca sĩ khách mời trong “Reiwa” phát hành năm ngoái. Vì mối duyên này, nên tôi đã nhờ họ “Tôi sắp làm một album, nếu được có thể sáng tác giúp tôi không”. Sau đó, một ca khúc tuyệt hay đã ra đời.



──Đấy là lần đầu tiên milet nhận cung cấp âm nhạc mà không đồng tác nhỉ?

Đó là lần đầu tiên. ONE OK ROCK cũng sáng tác cho tôi, những gì tôi làm chỉ là viết lời và hát. Hơn nữa, bài này lại khó, ngay ngày thu âm tôi còn nói “Chắc là không được. Thôi xong rồi…”, nhưng sau khi làm thử nhiều lần, thật tốt là tôi đã có thể hát theo cách của mình.

──Nó khó ở phần nào vậy?

 m vực được điều chỉnh hợp với tôi, nhưng tần số âm thanh dễ hát (sự khác biệt giữa 2 tông nhạc) quả là có chút khác biệt. Nhưng khi nghĩ tới việc họ sáng tác cho tôi với kỳ vọng tôi sẽ hát được bài hát khó này, tôi lại thấy phấn khích. Từ thời “Reiwa” tôi đã nghĩ rằng, họ là những người sáng tác ra những ca khúc mang thế giới quan rộng lớn. Tôi không phải kiểu người có thể hát chứa chan cảm xúc những bài do người khác tạo ra, nhưng khi hát thử tôi cảm thấy rất thoải mái và phấn khích. Ngoài ra, bài này lại có Nakano (Masayuki) của BOOM BOOM SATELLITES mà tôi ngưỡng mộ tham gia arrange và engineering nữa.

──Đó là sự quyết tâm cố gắng nhỉ.

Tôi đã rất hưng phấn rằng “Phải cho thấy những gì cực ngầu!”. Quá trình thu âm thật sự rất tuyệt, và tôi không muốn nó kết thúc.


TÔI KHÔNG PHẢI NGƯỜI MUỐN CHO TOÀN BỘ VÀO ÂM NHẠC


──Tiếp sau “inside you” thì ca khúc đồng sáng tác với Toru-san “The Love We’ve Made” tô điểm cho album cuối cùng đặc biệt ấn tượng.

“The Love We've Made” là ca khúc được tạo thành với tiến độ đồng thời với “inside you” khi vẫn chưa quyết định debut. Tôi muốn làm một bài hát chúc mừng em bé của một người bạn chung với Toru-san được sinh ra. Tôi nghĩ đây là một ca khúc mềm mại chưa từng có trong các ca khúc trước giờ của tôi.


──Có lúc milet biểu hiện tình yêu một cách hồn nhiên như ca khúc này, cũng có lúc đâu đó có cái nhìn xa rộng, tôi nghĩ sự không cân xứng ấy rất thú vị.

Bản thân tôi cũng nghĩ vậy. Tầm giao động của cảm xúc lớn và tôi cảm thấy như “Khoảng trung gian ấy có vấn đề gì không?”. Nhưng đôi khi tôi lại nghĩ, có những phần tôi từ bỏ việc biểu hiện cảm giác xa rộng ấy… Tại sao bản thân lại có cái nhìn như thế, và tôi muốn có thể tạo nên hình hài của cái gì đó giống như là niềm tin dẫn đến cảm giác ấy.

──Sự từ bỏ đó có nghĩa là, đằng nào bạn cũng không thể biểu hiện tất cả bằng âm nhạc… phải không?

Tôi nghĩ cũng có điều đó. Tôi đã thật sự mệt mỏi khi thực hiện album này. Có những lúc tôi kiệt sức và không muốn nghe bất kỳ bản nhạc nào. Điều tôi nhận ra từ trải nghiệm đó là tôi cũng muốn thể hiện những thứ khác ngoài âm nhạc. Ví dụ khi muốn truyền đạt điều gì với gia đình, tôi muốn thể hiện cảm xúc của mình bằng ngôn ngữ hơn là hát. Tóm lại, tôi biết mình không phải là người muốn cho tất cả vào âm nhạc.

──Tôi hiểu rồi.

Và ngược lại, đó cũng là cơ hội để tôi nghĩ về những gì mình muốn thể hiện trong âm nhạc… Cho nên có thể nói album này là bước ngoặt để tôi bắt đầu cho vào sự khác biệt giữa những điều tôi muốn làm và không muốn làm trong âm nhạc. 

──Có nhiều kiểu nhạc sĩ khác nhau, có những người cống hiến cả đời cho âm nhạc. Mặt khác, cũng có những người bước trên cuộc đời với mảnh trời riêng của mình, từ đó âm nhạc sinh ra như cành lá, điều đó cũng rất hấp dẫn nhỉ.

Tôi đã rất lo lắng về điều đó. Nếu biến âm nhạc thành công việc, thì nó phải chiếm ít nhất 80% hay 90% trong 100%. Nhưng tôi không phải kiểu người như vậy, âm nhạc là 60% còn cuộc sống riêng gồm khoảng 40%. Khi sáng tác âm nhạc tất nhiên phải dành 100% rồi, điều đó vui hơn bất cứ điều gì, nhưng vào khoảnh khắc hoàn tất, tôi lại trở thành người “âm nhạc không là tất cả”. Vì thế, khi thử rời xa âm nhạc, thì tinh thần tôi cảm thấy bất an về điều đó. Vì thật khó để có được cảm xúc (cười).


──Giống như phải đi đi lại lại, thực hiện song song cuộc sống cá nhân và cuộc sống của một nhạc sĩ phải không?

Đúng, quả thật là giống như sống trong thế giới song song vậy. Tuy nhiên, điều tôi biết được lần này là, ngay cả khi âm nhạc chiếm 60% cuộc sống, tôi vẫn có thể tạo ra những ca khúc mà tôi tự tin. Nếu biến thành 100% âm nhạc, có lẽ cuộc sống của tôi sẽ sụp đổ. Phần 40% không phải âm nhạc ấy được phản ảnh trên âm nhạc của tôi, nếu không có nó thì sẽ thiếu đi nhiên liệu, và sức nóng đối với âm nhạc cũng có thể bị kìm hãm lại.

──Tôi hiểu rồi. Nghĩ đến điều đó thì âm nhạc đúng là kỳ lạ nhỉ. Tôi hiểu cái gọi là điều cần thiết trong cuộc sống.

Phải, tôi không thể sống mà không có âm nhạc. Nhưng đó cũng không phải thứ giống như khí oxy.

──Vậy đối với milet thì âm nhạc là gì?

Để lấy lại sự tỉnh táo, có lẽ vậy. Đối với tôi nhạc classic chính là như thế. Khi nghe những bản classic thân thuộc từ khi sinh ra, tôi có thể nhớ về những điều quan trọng, và hồi tưởng lại tình yêu mà mình nhận được từ gia đình khi tôi còn bé. Có thể quay lại điểm bắt đầu. Tại sao tôi phải nhìn lại điểm bắt đầu nhiều lần đến thế… Khi làm công việc này tôi sẽ bị cuốn hút vào rất nhiều thứ, có nhiều điều tôi phải suy nghĩ và nhìn thẳng vào bản thân.

──Tuy nhiên, trong bản thân chúng ta cũng có những kỷ niệm như khi được ai đó yêu thương chân thành, hay khi nhìn thấy cảnh sắc tuyệt đẹp. Rõ ràng âm nhạc là điểm kích hoạt những kỷ niệm đó nhỉ.

Vâng. Thật tuyệt vời khi có âm nhạc.


THỜI GIAN SÁNG TÁC ÂM NHẠC CHO TÔI TỰ TIN VÀ SỨC MẠNH TIẾN VỀ PHÍA TRƯỚC


──Thế còn câu chuyện lúc nãy về việc muốn truyền đạt với gia đình bằng ngôn ngữ chứ không phải hát, mỗi ngày bạn điều truyền đạt như thế chứ?

Vâng, tôi viết thư. Gia đình tôi kiểu thay đổi cảm xúc liên tục, hôm qua nói YES nhưng hôm nay sẽ đổi thành NO, nên tôi muốn giữ lại tình cảm của mình. Là việc tôi cảm nhận lòng biết ơn đến mức nào.

──Nghe hay đấy. Nếu nhận được thư thì sẽ vui lắm nhỉ.

Tôi nghĩ sẽ vui lắm. Về phía tôi sẽ không hồi đáp đâu (cười). Nhưng khi viết thì quả nhiên thấy hạnh phúc lắm.

──Bạn có thường truyền đạt cảm xúc tích cực không?

Chà. Khi nói “xin lỗi”, tôi sẽ mua bánh hay đồ ngọt (cười). Và, tôi cư xử như không có gì xảy ra.

──Có lẽ những chuyện xảy ra ngẫu nhiên thường ngày đó đang tạo ra âm nhạc của milet.

Thật sự tính cách được thể hiện nhỉ. Vì thế tôi cảm thấy bồn chồn khi nghe ca khúc của chính mình (cười). Tôi cũng là người thay đổi cảm xúc liên tục, nên tùy điều kiện mà cũng có lúc tôi nghĩ “mình đang nói gì vậy” đối với ca khúc mình đã viết. Khi tôi chán nản không thể hướng về phía trước, thỉnh thoảng tôi tự nói “mình đang nói những điều tốt ha” đối với những ca khúc tích cực như “Again and Again”. Những lúc như thế tôi chăm chú lắng nghe những bài có thể xốc bản thân từ dưới lên như “Tell me” hay “Prover”. Nhưng tất nhiên những suy nghĩ tôi đưa vào “Again and Again” không phải nói dối, cũng có lúc tôi vừa nghe vừa nghĩ “rõ ràng như thế nhỉ”.

──Cuộc sống chính là vòng lặp những thăng trầm nhỉ.

Vâng. Album này, quả thật giống với cuộc đời tôi. Nhưng tôi của gần đây đã mạnh mẽ hơn trước. Bao nhiêu lần bị vùi dập và đứng dậy trong âm nhạc tôi đã trở nên mạnh mẽ vững chãi hơn. Nhờ thế tôi cảm thấy từ giờ mình có thể tận hưởng mọi thứ trong cuộc đời phía trước. Tôi nghĩ chắc chắn rằng, thời gian sáng tác âm nhạc đã cho tôi tự tin và sức mạnh tiến về phía trước.

No comments:

Post a Comment