Wednesday, July 22, 2020

[ARTICLE] Ca khúc pop hay nhất thế giới là một bài hát Nhật Bản thập niên 80


(VICE) - Ryan Bassil | 13/6/2018

Đêm muộn, mưa đập vào cửa sổ - giấc ngủ không đến dễ dàng. Tàn thuốc lá trong cốc; cảm giác trống vắng; hàng giờ liền trôi qua trong suy tư uể oải. Youtube gợi ý video: lướt, lướt, lướt, lướt. Rồi, như thể có mặt những vị thần Thuật Toán, một giai điệu xuất hiện: “Plastic Love”, do ngôi sao nhạc pop Nhật Bản Mariya Takeuchi trình bày - một giai điệu disco 80s không chê vào đâu được, được tạo nên theo cách sẽ xâm chiếm trí não bạn.

Đó là kiểu bài hát mà, khi bạn nghe lần đầu tiên - như tôi đã từng cách đây vài tháng - bạn sẽ cảm thấy dường như nó vẫn luôn nơi đó, ngấm đâu đó nơi vỏ não, hoặc như một ký ức từ trong bụng mẹ. Giai điệu này là cuộc sống của bạn, và bạn đang cùng hòa nhịp - trong trường hợp này, là ngồi nơi con phố Kabukicho ở Tokyo, bơ vơ đau khổ cùng cực, nhưng đồng thời cũng được bôi trơn cảm giác đam mê phiêu lưu, khát khao kích thích. Như một bình luận Youtube viết, “ca khúc này cho tôi cảm giác chưa từng xảy ra”, như thể “Plastic Love” là tàn dư còn sót lại của trang nhật ký từ kiếp trước.

Có một đặc trưng gây mê hoặc ở những ca khúc đóng vai trò gợi nhớ sâu sắc, đưa người nghe đến vùng đất mà họ nhớ, hay thậm chí chưa từng ghé thăm. Ví như “Personality Crisis” của The New York Dolls; hay “We Magnify His Name” của Floorplan. Và ở đây, với “Plastic Love” của Takeuchi, chúng ta bị tổn thương, là một cái bóng giữa những tòa nhà chọc trời:

“Bằng một nụ hôn bất ngờ và ánh nhìn cháy bỏng”
“Đừng làm xáo trộn chương trình tình yêu của em”
“Em sẽ đưa ra lời chào và chia tay thật khéo”
“Và kết thúc mọi chuyện khi đến lúc thôi, Đừng vội vã”

Đây là lời dịch đoạn đầu của bài hát, thô nhưng mới mẻ, với hình ảnh của khát khao và mâu thuẫn trong ký ức đau lòng trước đó. “Đừng lo lắng!” Takeuchi hát, khi cô nói về “tiếp tục cuộc sống ngày đêm đảo lộn, nhảy nhót thâu đêm trên những sàn disco thời thượng”. Nhưng cũng như lời bài hát đầy chất thơ - “ngay cả khi em tháo kính và bất chợt rưng rưng nước mắt” đặc biệt xuất sắc - không cần thiết phải dịch các từ để hiểu được cảm giác thầm kín đang thì thầm qua đó. Không hề có sai sót, “Plastic Love” là một bài thơ ca tụng hạt giống cô đơn một cách rất riêng: tan vỡ, rồi bị bao vây, lạc lối vào màn đêm trong những đôi giày và váy áo lộng lẫy; tìm kiếm tình yêu dưới ánh đèn rực rỡ, trong lúc nhón chân quanh nỗi sợ một mối ràng buộc.

Ngôn ngữ, tất nhiên, sở hữu một giá trị khôn cùng. Lời nói cho phép chúng ta thực hiện những việc quan trọng dễ dàng, gọi một ly cà phê thật phô trương, hay bảo ai đó hãy biến đi, đồ khốn kiếp, chẳng hạn. Nhưng lời nói cũng có khi hoàn toàn vô dụng, thừa thãi; hoặc là, khi nói đến âm nhạc, một loại khiên chắn mà trong đó một bài hát lẽ ra trống rỗng sẽ trở nên ý nghĩa khi mô tả tường tận một cảm xúc. Vậy, với một ca khúc như “Plastic Love” khi ngôn ngữ ban đầu được ném qua cửa sổ cho những người không nói tiếng Nhật, thì cảm giác - hay khoảnh khắc, tình thế - truyền cảm hứng cho âm nhạc được đẩy lên hàng đầu, còn ý nghĩa muốn truyền đạt để lại nơi hơi thở thuần khiết qua giai điệu và âm thanh - đã trở nên sống động.

Thường nhạc ambient và điện tử không có lời, chúng thường truyền tải cảm xúc qua chính âm thanh của nó (hãy nghe “Rhubarb” đầy tinh tế của Aphex Twin hay bất cứ âm nhạc nào của William Basinski). Nhạc pop, tuy vậy, rất khác biệt; lời ca khúc chiếm vị trí trung tâm để truyền đạt cảm xúc đằng sau bài hát. Dù vậy: “Plastic Love” của Mariya Takeuchi là giai điệu hiếm hoi mà không cần ngôn ngữ chính xác nào để diễn tả thành thạo một cảm xúc cụ thể, xác định - một trong những khát khao, đau khổ, yêu thương, sợ hãi, phiêu lưu, mất mát, tất cả bị cuốn vào vòng xoáy giữa màn đêm bên ngoài thành thị.

Bài hát, ngay thời điểm này, là ca khúc pop yêu thích của tôi trên thế giới. Những nốt nhạc mở đầu rải rác nói lên cảnh cô đơn sâu sắc. Tiếp sau đó là một điểm dừng - ánh sáng lấp lánh đầy hứa hẹn của màn đêm, được xử lý bằng tiếng piano nhẹ - trước khi âm bass phát ra và tiếng đẩy xúc tác của nó thả trôi lênh đênh đầy cảm xúc vào không khí đêm. Có những điểm, giọng Takeuchi như một cô người yêu ngồi trong góc, liếc nhìn trộm qua vai; có những khoảnh khắc ánh mắt đó rời đi, khẽ nở nụ cười như muốn nói “Em xin lỗi”. Đó là sự lãng mạn mà không cần đến bất kỳ ánh nến nào, thay vào đó, tập trung vào tất cả những bộ mặt không tên, chưa được khai phá của miền “twilight zone” bí ẩn, vỡ òa khát khao - bản cầu siêu cho tất cả những ai và những sonder chưa được khám phá của họ.

(*sonder: sự nhận thức rằng mỗi người bạn gặp trong đời cũng có một cuộc đời sống động và phức tạp như chính bạn vậy.)

Với việc Takeuchi đến từ Nhật Bản, và “Plastic Love” là bài hát bằng tiếng Nhật, tôi không thể ngừng nghĩ về chuyện ở Nhật Bản khi nghe bài hát. Nhưng trên thực tế, tôi có thể ở bất cứ đâu; và sự thật là, tôi đang ở một mình trong phòng giữa đêm khuya, mưa đập vào cửa sổ, tàn thuốc lá trong cốc, video Youtube hiện ra: lướt, lướt, lướt, lướt. Rồi Takeuchi lại xuất hiện: “Dance to the plastic beat, another morning comes”.

No comments:

Post a Comment