Wednesday, March 15, 2023

“Huyền thoại một Diva: Dấu tích và Phép màu của Nakamori Akina” (Kỳ 61~70)


(Kỳ 61)
Nhẹ nhõm khi tác phẩm thứ 6 “Kinku” giành hạng 1…
Bắt đầu “phục thù” ở giải người mới đã bỏ lỡ
zakzak (2/3/2021)

“Ngoài cô ấy ra, tất cả nhân viên đều phát sốt.”

Tanaka Yoshiakira (hiện là tác giả hoạt động dưới tên “Sawasato Yuuji”), người phụ trách quảng bá cho Nakamori Akina tại Warner Pioneer (hiện là Warner Music Japan), nhớ lại.

“Kinku” (phát hành ngày 7/9/1983), tác phẩm thứ 6 và cũng là cuối cùng trong 2 phong cách xen kẽ “bộ 3 bài ballad” và “bộ 3 bài nổi loạn”, đã chiếm hạng 1 trong lần đầu xuất hiện trên BXH Oricon vào ngày 19/9. Vì tác phẩm trước đó “Twilight -Yuugure Dayori-” chỉ đạt hạng 2 trong lần đầu xuất hiện và cuối cùng bỏ lỡ vị trí số 1, nên điều này càng khiến các nhân viên rất vui lòng.

“Một người mới vừa ra mắt được 1 năm, mà đã có 2 tác phẩm đạt hạng 1 là “Second Love” và “1/2 no Shinwa” rồi, trong giới đều cho rằng đạt hạng 1 là chuyện đương nhiên. Vậy mà chỉ được hạng 2, thành thật mà nói điều đó thật nhục nhã. Tất nhiên tôi nghĩ rằng “Kinku” được hạng 1 là kết quả đương nhiên, nhưng đồng thời tôi cũng thấy nhẹ nhõm vì cảm giác như được lấy lại thanh danh”, Tanaka nói, đồng thời cho biết, hạng 1 của “Kinku” cũng là “bước khởi đầu cho thắng lợi”.

“Trong cuộc đua giải người mới năm trước, dù đã ra mắt nhưng chúng tôi lại bỏ lỡ rất nhiều giải thưởng Người mới xuất sắc. Lúc đó tôi chưa phụ trách Akina, nhưng đã có suy nghĩ “Sao bán được nhiều thế vậy mà…”. Cảm giác đó cũng là lý do tại sao tôi muốn phục thù việc không thể lấy được giải Người mới.”

Người đi đầu chỉ huy trong cuộc đua lúc đó, chính là ông Terabayashi Akira (hiện là cố vấn bộ phận kinh doanh cho Avex Entertainment label), người phụ trách quảng bá và sản xuất cho Akina từ khi ra mắt. Terabayashi đã chuyển từ công ty tổ chức sự kiện nghệ sĩ nước ngoài “Udo ongaku jimusho” về Warner để củng cố âm nhạc Nhật Bản. Chính Terabayashi đã kéo Yazawa Eikichi, CHAGE & ASKA về cùng công ty, và sự triển khai quảng bá đó rất nổi bật trong ngành. Một người liên quan âm nhạc rõ về thời đó cho biết.

“Thời còn ở Udo, vào năm nghệ sĩ nhạc rock người Anh là Peter Frampton đến Nhật biểu diễn (1978), ông Terabayashi đã thực hiện cuộc đối thoại độc đáo với ông Sunada Shigetami, lúc đó là Bộ trưởng bộ giáo dục, và cho lên sóng trên bản tin 9 giờ tối của đài NHK (lúc đó là “News Center 9 giờ” với phát thanh viên là Isomira Shigetami). Thời điểm đó, tư tưởng rằng Rock là thứ âm nhạc phản xã hội đã ăn sâu, nhưng ông ấy đã quảng bá thành công đến mức lôi kéo được ngài Bộ trưởng bộ giáo dục, làm thay đổi hình ảnh của nghệ sĩ nhạc rock. Ông cũng đã rót 100 triệu yên chi phí quảng bá vào Akina ngay từ khi cô mới ra mắt, mua trang báo của tạp chí thông tin bảng xếp hạng “Oricon”, độc chiếm chủ đề làm chuyên san về Akina, vốn chưa nổi tiếng trong ngành. Dù có những lời chỉ trích vì cách làm không từ phương pháp ấy, nhưng ông cũng được biết đến vì làm những điều chưa có tiền lệ. Vì một Terabayashi như thế đã nghiêm túc tham chiến cuộc đua giải thưởng, nên độ chú ý trong ngành của Akina cũng tăng vọt. Có một bầu không khí kinh sợ về những gì Warner sẽ thực hiện cho Akina.”

Ban đầu, trong công ty nghĩ rằng ông sẽ tham gia cuộc đua giải thưởng với “Twilight”, nhưng cuối cùng cá nhân Terabayashi đã quyết định phân thắng bại bằng “Kinku”.

“Cả Warner và công ty quản lý Ken-On đều ngồi lại cùng bàn đối sách cho cuộc đua giải thưởng. Tôi nhớ khi đó đã quá tháng 9, nhưng ngày nào chúng tôi cũng họp đến nửa đêm.” (Tanaka)

Một nhân viên kinh doanh từng tham gia cuộc họp chia sẻ, “Khi bàn về quà tặng cuối năm, tôi nhớ có những đề xuất chơi chữ vui, như là sẽ tặng “nồi áp suất” (*áp lực) cho tất cả thành viên ban giám khảo. Giờ nhớ lại đúng là có rất nhiều kế hoạch khiến tôi bật cười. Dù sao thì, có lẽ chúng tôi còn khao khát giành được giải thưởng hơn chính bản thân Akina nữa.”


(Kỳ 62)
Nhận thức rằng “Cuộc đua giải thưởng là cuộc chiến của các staff”.
Bản thân lạnh lùng trước cuộc cạnh tranh.
zakzak (9/3/2021)

Năm 1983, năm thứ 2 sau khi ra mắt, Nakamori Akina tham gia cạnh tranh với “Kinku”, ca khúc debut “Slow Motion” sau đó là “Second Love” và “Twilight -Yuugure Dayori-” tạo thành “bộ 3 bài ballad”, bản thân “Kinku” là tiếp nối sau “Shojo A”, “1/2 no Shinwa” trong “bộ 3 bài nổi loạn”, đối với Akina đó là ““hình tượng Nakamori Akina được xây dựng” trong thời kỳ đầu”, Tanaka Yoshiakira (hiện là tiểu thuyết gia hình sự erotic hoạt động dưới bút danh “Sawasato Yuuji”) nhớ lại.

“Trong giới thần tượng lúc bấy giờ, ý muốn của staff nhìn chung rất mạnh mẽ. Dù Akina có phát triển nhanh đến đâu, thì người quyết định concept bao gồm cả hướng đi vẫn là staff. Tất nhiên trang phục cũng vậy. Tôi nghĩ Akina cũng không mấy hài lòng về chuyện đó, nhưng chẳng còn cách nào khác. Mặc dù vậy, mức độ nổi tiếng của Akina đã vượt qua danh xưng “Hậu Momoe”, và thậm chí sánh vai cùng Matsuda Seiko, vì vậy không thể phủ nhận mối quan hệ quyền lực với staff đã phần nào bắt đầu sụp đổ…”

Trong hoàn cảnh đó, điều Tanaka cảm nhận là, “Rõ ràng “Kinku” đã giành hạng 1 trong lần đầu xuất hiện, và tạo được tiếng vang tương tự “Shojo A” và “1/2 no Shinwa”, nhưng tôi nghĩ đó là do sự “lạ” tựa như câu khẩu hiệu vậy. Hơn nữa, các phương tiện truyền thông và cả khán giả đều muốn một “Akina nổi loạn”. Vì thế có lẽ cô ấy không thấy vui, vì lộ trình bao gồm “Kinku” như phủ định cá tính riêng của cô ấy”.

Tanaka nhớ lại.

“Thực tế, bản thân Akina thích lộ trình “ballad” của chị em Kisugi Etsuko và Takao hơn. Nhưng vì đó là một trong những chiến lược, nên không thể tránh khỏi ít nhiều khác biệt với cô ấy.”

Có lẽ vì lý do đó, bản thân Akina không hề nói rằng “em muốn tham gia cuộc đua giải thưởng” hay “em muốn đoạt giải thưởng lớn”.

Một người trong ngành âm nhạc biết về thời đó nhớ lại.

“Không giống như các thần tượng và nghệ sĩ khác, tôi không cảm nhận được ý thức cạnh tranh và ganh đua ở Akina. Hoặc có lẽ chỉ là cô ấy không để lộ cảm xúc của mình… Tôi chỉ chắc một điều rằng cô ấy rất lạnh lùng. E rằng trong cuộc đua giải người mới năm trước, cô ấy đã biết rằng các cuộc đua giải thưởng là “thành tích khác với giải thưởng”. Tóm lại, chúng khác với doanh số bán đĩa…”

Tuy nhiên, ông Terabayashi Akira (hiện là cố vấn bộ phận kinh doanh của Avex Entertainment label), người đã dõi theo Akina từ trước khi ra mắt và có được sự tin tưởng, cũng đóng vai trò quan trọng. “Có lẽ đó là sự đoán ý mà cư xử của riêng Akina”, người trong ngành âm nhạc nói trên cho biết.

“Tôi nghĩ căn nguyên suy nghĩ của Akina là ý thức cho rằng “Cuộc đua giải thưởng là cuộc chiến của các staff”. Dù sao ông Terabayashi cũng dẫn đầu chỉ huy trong cuộc đua giải thưởng. Thế nên Akina cũng đi theo “Tôi sẽ cố gắng”, nhưng Warner hầu như non nớt trong lĩnh vực này. Bản thân tôi cũng có mong muốn phục thù trong cuộc đua giải người mới, nhưng trên lập trường là một staff, điều đó thật khó khăn”, Tanaka nhớ lại. 

Mặt khác, “Lúc ấy đã có giải “Japan Record Awards” (Giải Thu âm Nhật Bản) và chương trình “NHK Kouhaku Uta Gassen” (Trận chiến  m nhạc Hồng Bạch) rồi. Tất nhiên chúng tôi đã phân công ra phụ trách, nhưng độ khó ở mỗi vị trí là khác nhau. Nghĩ lại thì “Giải Thu âm” là cuộc chiến của Bộ phận quảng bá âm nhạc Nhật Bản.”

Và kết quả đã xuất hiện. Đầu tiên là quyết định sẽ tham gia “Kouhaku” cùng với “Kinku”.

(Kỳ 63)
Chú trọng vào trang phục mới mẻ “Độc giả sẽ không nghĩ trang phục là do staff lựa chọn”
Staff gặp rắc rối với quyết định xuất hiện tại Kouhaku.
zakzak (16/03/2021)
Single thứ 6 của Nakamori Akina “Kinku” (phát hành ngày 7/9/1983) đã đứng đầu bảng xếp hạng tuần Oricon (ngày 19/9).

Là hạng 1 kể từ sau single thứ 4 “1/2 no Shinwa”. Và lần đầu tiên tham gia chương trình giao thừa thường niên “NHK Kouhaku Uta Gassen lần thứ 34” cũng với ca khúc đó.

Một người trong ngành âm nhạc cho biết.

“Năm 1982 là năm mà các thần tượng mới đầy triển vọng lần lượt ra mắt, được gọi là “Hana no 82-nen gumi”, và đến giờ họ vẫn hoạt động tích cực. Đó là lý do tại sao việc tham gia “Kouhaku” là trận chiến khốc liệt. Chỉ có Shibugakitai là tham gia lần đầu ngay trong năm ra mắt. Năm thứ 2, 1983, chỉ có Akina và Hayami Yu tham gia lần đầu tiên. Còn Koizumi Kyoko và Hori Chiemi là năm sau đó 1984. Trường hợp ngoài dự tính có lẽ là Matsumoto Iyo. Cô ấy có nhiều bài hit như “Sentimental Journey”, “Dakishimetai” và “Tokini Ai wa”, nhưng vì toàn bộ đều phát hành sau tháng 11, nên rốt cuộc không thể tham gia. Phần Akina, cô và Matsuda Keiko đã lọt vào top đầu trong cuộc thăm dò ý kiến về ca sĩ muốn xuất hiện trên NHK vào năm 1983, nên chắc chắn rằng cô là một cái tên nổi bật trong số những thần tượng mới.”

Trên thực tế, Tanaka Yoshiakira (hiện là tác giả hoạt động dưới bút danh “Sawasato Yuuji”), người phụ trách quảng bá cho Akina tại Warner Pioneer (hiện là Warner Music Japan), cũng nói rằng.

“Đối với chúng tôi, so với giải Japan Record Awards, thì Kouhaku được đánh giá là gần như chắc chắn có thể tham gia dựa trên thành tích của cô ấy. Thú thật thì, tôi nhớ là chúng tôi chẳng có đối sách nào để gọi là đối sách cả.”

Mặt khác, “Khi công bố việc tham gia Kouhaku, điều Akina mong muốn nhất chính là làm cho mẹ vui lòng. Có thể là lòng hiếu thảo, tôi nghĩ cô ấy thật sự rất vui. Về Kouhaku có lẽ là như vậy.”

Tuy nhiên, ngay cả khi đã quyết định tham gia, cũng không phải đều là chuyện vui vẻ.

Tanaka nhớ lại, “Quyết định thì đã quyết định rồi, những chuyện sau đó mới vất vả.”

“Sau khi quyết định tham gia, thì trang phục là vấn đề trọng đại. Cho đến lúc đó trang phục biểu diễn cơ bản đều do staff quyết định. Akina không hé môi điều gì, nhưng có lẽ cũng chẳng mấy đồng tình. Một khi đó là Kouhaku, thì quả nhiên không phải như thế nữa. Bản thân Akina cũng bắt đầu thắc mắc về những chiếc đầm và váy ngắn kiểu thần tượng mà cô phải sử dụng cho đến lúc đó. Người phụ trách stylist và giám đốc đã họp cả ngày đêm. Dù sao thì, Akina cũng đã quyết tâm tới cùng để tạo ra một cái gì đó mới mẻ và có sức thuyết phục.”

Kết quả là, một chiếc váy mini tuyệt đẹp màu vàng và đen đã được hoàn thành. Ngoài ra, khi quyết định tham gia Kouhaku, mức độ phỏng vấn tạp chí cũng tăng lên, và sự chú trọng về trang phục của Akina cũng xuất hiện hàng ngày trên các bài báo.

“Nói chung cô ấy bắt đầu tìm kiếm trang phục mang tính nghệ thuật. Về cơ bản trong các bài phỏng vấn thần tượng, biên tập viên sẽ yêu cầu trang phục dễ thương kiểu thần tượng, nhưng Akina đã nói “Độc giả sẽ không nghĩ đó là trang phục do staff lựa chọn. Khi tôi đọc “Myojo” hay “Heibon”, tôi đều nghĩ các thần tượng đang mặc trang phục yêu thích của họ”. Như thế, dần dà cô ấy không thích nghi với những tạp chí như thế nữa. Tóm lại, nếu “trang phục được yêu cầu mặc” quá khác biệt, cho dù đó là để quảng bá, nhưng số trường hợp từ chối phỏng vấn đã tăng lên. Dù nói vậy, nhưng vì Akina cũng không giỏi phỏng vấn, nên rốt cuộc chúng tôi đã tập trung xuất hiện trên truyền hình.”

Tanaka nói rằng, “Kinku” có thể trở thành một trong những bước ngoặt của hướng đi đó.

Tuy nhiên, có một sự kiện bất ngờ với Akina ngay trước thềm xuất hiện tại Kouhaku.

(Kỳ 64)
Bị ngã trong buổi tổng dợt “Kouhaku”, trật khớp gối phải…
Cất lời tuyên thệ khỏe khoắn cùng Minami Haruo trong buổi diễn chính thức.
zakzak (23/03/2021)
Trong số những thần tượng được gọi là “Hana no 82-nen gumi”, Hayami Yu và Nakamori Akina lần đầu tham gia “NHK Kouhaku Uta Gassen lần thứ 34” vào năm 1983.

Hayami đã vui mừng nói “Một ngày trước khi nhận thông báo, tôi đã cùng với mẹ quỳ xuống cầu nguyện. Thật tuyệt vời khi có thể tham gia “Kouhaku” mơ ước vào năm thứ 2 ra mắt”. Tuy nhiên, về phía Akina, cô cho biết “Tôi đã nghe từ các staff từ khoảng giữa trưa. Nhưng tôi vẫn chưa cảm nhận rõ ràng lắm”, có đôi chút lạnh lùng. Mặt khác cô cũng nói “Năm ngoái tôi lặng lẽ trải qua giao thừa một mình, nhưng năm nay có vẻ sôi động nên tôi rất vui”.

“Cô ấy rõ ràng khác biệt so với những thần tượng khác. Dù là những việc đương nhiên trong giới giải trí như “so sánh” và “cạnh tranh”, thì Akina cũng đứng ở một vị trí xa. Tóm lại có lẽ chính là “Tôi là chính tôi”. Ấn tượng của tôi là cô ấy điềm tĩnh với mọi sự, hơn là lạnh lùng. Tôi nghĩ cô ấy mới 17 tuổi, nhưng đâu đó thật sự đáng sợ.”

Tanaka Yoshiakira (hiện là tác giả hoạt động dưới bút danh “Sawasato Yuuji”), người phụ trách quảng bá cho Akina tại Warner Pioneer (hiện là Warner Music Japan), nhớ lại.

Tuy nhiên, một tai nạn không ngờ đã ập đến tại “Kouhaku”. Trong lúc diễn tập tại hội trường NHK ở Shibuya, Tokyo, cô ấy bị ngã trên sân khấu, và bị trật gối phải.

Terabayashi Akira (hiện là cố vấn kinh doanh của Avex Entertainment label), người giám sát sản xuất quảng bá cho Akina tại Warner, nhận được cuộc gọi từ giám đốc văn phòng.

“Tôi nhớ lúc đó tôi đang có cuộc họp cuối cùng về “Giải Thu âm”. Tôi nhận được cuộc gọi từ văn phòng nói là “Akina gặp sự cố”. Cô ấy bị ngã trong lúc tổng dợt và chấn thương nặng. Dù sao cũng phải đưa cô ấy tới bệnh viện, nên tôi vội vàng tìm bệnh viện. Đang là cuối năm nên rất khó tìm. Hơn nữa nếu giới truyền thông đánh hơi được thì thật tệ, nên đến nửa đêm cô ấy mới được đưa đến bệnh viện. Kết quả chụp X-quang cho thấy xương không gặp vấn đề gì, tôi có thể yên tâm vì cô ấy chỉ cần nghỉ ngơi một thời gian thì sẽ khỏi…”

Chân của Akina vốn yếu. Một người trong ngành giải trí biết về Akina thời đó kể lại.

“Có lẽ đó là khi cô ấy học tiểu học, vì cô ấy dễ cảm mạo còn cơ thể thì yếu ớt, nên mẹ cô lo lắng và cho đi học ba-lê cổ điển, nhưng có lẽ vì đôi chân không khỏe mạnh nên cô ấy không thể tiếp tục. Nếu đứng quá lâu chân sẽ bị sưng tấy. Cho nên theo lẽ thường các buổi concert, ví dụ như idol thường biểu diễn 2 buổi trưa và tối, nhưng Akina thường chỉ diễn 1 buổi. Có lẽ vì mệt mỏi do lịch trình cuối năm bận rộn, nên rốt cuộc cô ấy bị ngã và trật khớp.”

Tuy nhiên, vào đêm giao thừa, cô ấy đã cố gắng bất chấp và trình diễn ở cả “Japan Record Awards” (Giải Thu âm Nhật Bản) và “Kouhaku”.

Tại “Giải Thu âm”, cô đã nhận “Golden Idol Special Award”. Đây là giải đặc biệt chỉ dành cho năm đó của đài phát sóng TBS.

“Trong số đĩa phát hành năm 1983, Akina đứng đầu với tỷ lệ 4.8%, nên có lẽ vì thế mà cô ấy được vinh danh. Lúc đó cô ấy cũng trình diễn “Kinku”, nhưng người dẫn chương trình Takahashi Keizo quả thật rất lo lắng cho đôi chân (của Akina)” (theo người trong ngành âm nhạc).

Mặt khác, tại “Kouhaku”, Akina đã nhận được một ngoại lệ khi cùng Minami Haruo của đội trắng tuyên thệ mở màn, với tư cách là người đại diện đội đỏ, và trên sân khấu, cô ấy đã chịu đựng cơn đau ở chân và nhiệt tình hát “Kinku” bằng tất cả sức lực của mình.

Nhân tiện, trong “Kouhaku” năm đó, Tamori là người dẫn chương trình chung, đội đỏ là Kuroyanagi Tetsuko, đội trắng là phát thanh viên Suzuki Kenji, tỷ lệ khán giả 74.2%, tăng 3 điểm so với 69.9% của năm trước (khảo sát của Video Research, vùng Kanto).

(Kỳ 65)
Thành tích không thể xem thường cho dù hụt mất giải thưởng lớn ở “Record Awards”.
Cảm giác không thoải mái về “giải đặc biệt”.
zakzak (30/3/2021)
“Giải Thu âm” và “NHK Kouhaku Uta Gassen”.

Năm thứ hai sau khi ra mắt, 1983, là năm Akina dành hết thời gian cho hai sự kiện âm nhạc này với single “Kinku”.

“Đương nhiên, độ khó của “Giải Thu âm” và “Kouhaku” khác nhau tùy vào vị trí của staff.”

Tanaka Yoshiakira (hiện là tác giả hoạt động dưới bút danh “Sawasato Yuuji”), người phụ trách quảng bá cho Akina tại bộ phận quảng bá âm nhạc Nhật Bản của Warner Pioneer (nay là Warner Music Japan), nói như thế.

Ông cho biết sự khác biệt của hai sự kiện, ““Kouhaku” là đánh giá về Akina trong năm đó, cho nên chúng tôi không cần các đối sách về thành tích âm nhạc, nhưng “Giải Thu âm” là nơi kiểm nghiệm sức mạnh của chúng tôi, những người phụ trách quảng bá. Hơn nữa, cấp trên của tôi ông Terabayashi Akira (hiện là cố vấn kinh doanh cho Avex Entertainment label), người giám sát sản xuất và quảng bá cho Akina, có một chấp niệm lớn đối với giải Thu âm. Nghe nói việc nhắm cho Akina giải thưởng lớn sẽ liên kết đến những người mới vào năm sau. Nói thật là Warner lúc đó rất yếu về mảng thần tượng. Chắc chắn rằng có nội tình như vậy. Vì thế cho dù chúng tôi đặt cược lớn vào Akina, nhưng phần khó nhất là số lượng lớn thành viên ban giám khảo, như nhà phê bình âm nhạc, báo chí, người trong ngành âm nhạc,... E rằng gấp 3 lần hiện tại. Thật khó cho những nhân viên quảng bá thiếu kinh nghiệm như chúng tôi thực hiện các biện pháp đối phó ban giám khảo, và cho dù chúng tôi nỗ lực thế nào cũng không thể đọc được xu hướng của phiếu bầu. Chúng tôi stress kinh khủng.”

Mặc dù cuối cùng không đạt được mục tiêu giải thưởng lớn, nhưng đã nhận được giải “Golden Idol Special Award” từ đài TBS phát sóng giải. 

Một người trong ngành âm nhạc biết về thời gian đó nhớ lại.

“Lý do của giải thưởng là doanh số của Akina chiếm 4.8% tổng doanh số đĩa trong năm 1983. Người dẫn chương trình Takahashi Keizo đã nói “Nếu có 20 người như cháu cộng lại thì sẽ là tổng doanh số đĩa của Nhật Bản”, cuối cùng sự tồn tại của Akina, người có doanh số bán đĩa tăng vọt, đã không thể bị phớt lờ. Nếu không thực hiện một số biện pháp nào đó, thì khán giả cũng không đồng tình phải không.”

Trên hết, “TBS chắc hẳn không thể bỏ qua đánh giá của mình trong chương trình riêng “The Best Ten””.

Dù lỡ mất hạng 1 ở ca khúc debut “Slow Motion” và single thứ 2 “Shojo A”, nhưng single sau đó “Second Love” đã đứng hạng 1 trong 8 tuần liên tiếp, còn “1/2 no Shinwa” hạng 1 suốt 7 tuần, “Twilight -Yuugure Dayori-” dù có nhiều đối thủ cạnh tranh cũng đứng nhất 2 tuần liên tiếp, và “Kinku” cũng đứng đầu 7 tuần liên tiếp.

“Điều khiến tôi phấn khởi, chính là không thể xem nhẹ lập trường của đài TBS, nơi phát sóng “Giải Thu âm”. Từ quan điểm của tất cả mọi người, thì Akina chính là ca sĩ tượng trưng cho năm 1983.” (người trong ngành âm nhạc nói trên)

Tuy nhiên, Tanaka cũng nhớ lại tâm trạng của Akina lúc đó.

“Cô ấy đã rút ra bài học trong cuộc đua giải người mới năm trước. Khác với các staff, Akina có phần lạnh lùng đối với cuộc đua giải thưởng. Bởi vì, tôi không cảm nhận được điều gì như là tinh thần ganh đua ở cô ấy, và tôi nghĩ cô ấy tự nhận thức rằng “thành tích” và “giải thưởng” là khác nhau trong cuộc đua giải thưởng. Bởi thế, dù nhận được giải đặc biệt từ TBS, nhưng bản thân cô ấy… tất nhiên tôi nghĩ cô ấy cũng rất vui, nhưng có gì đó cảm giác không thoải mái.

Mặt khác, “Đó là “hình tượng Nakamori Akina được nhào nặn” trong giai đoạn đầu. Tôi nghĩ bước ngoặt của Akina chính là từ năm 1984. Nói cách khác, trong 1 năm kể từ single tiếp theo “Kita wing” cho tới “Meu amor e…”, cô ấy đã chuyển hóa rất lớn.”

(Kỳ 66)
Trận đấu thật sự với single tiếp sau “Kinku”.
Bắt đầu thể hiện gu thẩm mỹ riêng vào trang phục và tác phẩm.
zakzak (06/04/2021)
1983, năm thứ hai sau khi ra mắt. Single thứ 6 “Kinku” phát hành vào đầu mùa thu (7/9), và các chiến lược dành cho cuộc đua giải thưởng chính thức bắt đầu. Warner Pioneer (hiện là Warner Music Japan) và công ty chủ quản “Ken-On” đã họp bàn với nhau về tác phẩm tiếp theo.

Đó là single tiếp sau “Bộ 3 bài ballad” gồm “Slow Motion”, “Second Love”, “Twilight -Yuugure Dayori-” sử dụng của chị em Kisugi Etsuko (lời) và Kisugi Takao (nhạc), cùng “Bộ 3 bài nổi loạn” bao gồm “Shojo A”, “1/2 no Shinwa”, và “Kinku” do cựu coppywriter của công ty quảng cáo lớn và là nhà viết lời non trẻ Urino Masao chấp bút.

Đó là single đầu tiên phát hành trong năm 1984. Một người liên quan về âm nhạc đã chứng kiến tình hình lúc đó nhớ lại.

“Trong số những thần tượng ra mắt năm 1982, cảm giác Akina xuất hiện hơi muộn. Vì vậy để bù đắp phần đó, chúng tôi đã cạnh tranh bằng cách cho ra đời các tác phẩm có kế hoạch, chú trọng concept, và phát huy giọng hát ngay từ đầu. Kết quả, đã có thể tạo ra tác phẩm khác biệt với các thần tượng khác, và theo một nghĩa nào đó, có thể nói đã tạo ra sự đột phá về khái niệm thần tượng. Đó là lý do tại sao, ai cũng cảm nhận được single tiếp theo sẽ là ca khúc bước ngoặt đối với Akina.”

Mặt dù có ít nhiều chuyển biến trong 6 tác phẩm đã phát hành, đó là lộ trình cơ bản từ trước khi debut, nhưng “Tôi bắt đầu có cảm giác như cái tôi của Akina đã thức tỉnh từ khi phát hành “Kinku””, Tanaka Yoshiakira (hiện là tác giả hoạt động dưới bút danh “Sawasato Yuuji”), người phụ trách quảng bá cho Akina tại Warner, cho biết.

Tanaka nói, “Thật khó để diễn tả thành lời” về những thay đổi của Akina vào thời điểm đó, “Tôi nghĩ rằng ý kiến của Akina, người cảm nhận nhạy bén bầu không khí của thời đại, đã trở nên mạnh mẽ hơn ngay cả tại hiện trường sản xuất. Nói cách khác, cho đến lúc đó, cả sản xuất và quảng bá đều phần nào hoạt động theo lộ trình định sẵn, nhưng từ khi “Kinku” xuất hiện thì, lấy ví dụ những kế hoạch mà đạo diễn hình dung, bắt đầu khó diễn ra suôn sẻ. Đó là về tác phẩm, nhưng tôi nhớ rằng, gu thẩm mỹ của Akina cũng bắt đầu được thể hiện qua trang phục.” 

Ngoài ra về cảm giác khi tiếp xúc với Akina, ông cho biết “Tôi nghĩ là bắt đầu từ khoảng thời gian này, cảm giác bắt đầu không ổn định. Suy cho cùng, đối với chúng tôi cái cách mà Akina nổi tiếng có phần không bình thường. Người nghệ sĩ cô độc, càng nổi tiếng càng bất an. Nỗi bất an khi không nổi tiếng, là niềm hy vọng rằng nếu cố gắng thì ngày nào đó cũng sẽ nổi tiếng, nhưng khi đột ngột nổi tiếng ngay như trường hợp của Akina, thì lần này ngược lại, là cảm giác sợ hãi sẽ không bán tốt hàng.”

Thực tế, mỗi khi ra bài hát mới, đáp lại những lời như “Lần sau nếu cũng được hạng 1 thì tốt quá”, “Nếu cứ tiếp tục hạng 1 nữa thì hay quá”, có lẽ phần nào Akina cũng như đang nói với chính mình “Được kỳ vọng tôi rất vui, tôi muốn đáp lại kỳ vọng ấy”.

Cô cũng từng trả lời phỏng vấn rằng “Nếu tôi được khen, tôi sẽ càng cố gắng nhiều hơn”. Nhưng thật sự, đó chắc chắn là một áp lực lớn.

“Nói chung là, tôi cảm giác có khoảng cách với đạo diễn. Ngay cả chúng tôi, thường xuyên nỗ lực trong cuộc đua giải thưởng, nhưng khi tới hiện trường làm việc cũng bắt đầu có phần nào đó trục trặc. Dù sao cô ấy cũng bắt đầu thể hiện gu thẩm mỹ bản thân vào tác phẩm và trang phục. Về tác phẩm cũng dần dần thấp thoáng sự tìm kiếm những điều mang tính nghệ thuật.”

Trong quá trình sản xuất single tiếp sau “Kinku”, với câu nói “Tác giả này thì…”, Akina đã tự mình đề xuất nhà viết lời Kan Chinfa, và nhạc sĩ biên khúc Hayashi Tetsuji. Hơn nữa, đó là giữa tháng 9, chỉ 3 tháng trước khi phát hành single.

(Kỳ 67)
Bài hát cạnh tranh của năm thứ 3 debut “Kita Wing”.
Thay đổi tiêu đề bằng trực giác nghệ sĩ.
zakzak (13/4/2021)

Những người liên quan sản xuất và quảng bá tại Warner Pioneer (nay là Warner Music Japan) đều cảm thấy rằng, single phát hành năm 1984 tiếp sau “Kinku” sẽ là tác phẩm bước ngoặt của Nakamori Akina.

Một người liên quan âm nhạc cho biết.

“6 tác phẩm trước có concept tập trung vào 1 người con gái. Theo nghĩa đó, chính Nakamori Akina đã xây dựng lên điều ấy. Hơn nữa, “Second Love” của bộ đôi tác giả Kisugi Etsuko và Kisugi Takao rất nổi tiếng trong vòng người hâm mộ, nhưng giới truyền thông vẫn tìm kiếm hình tượng Akina theo “con đường nổi loạn”. Làm thế nào để xóa tan hình ảnh đó của Akina? Rõ ràng tác phẩm của năm thứ 3 sau khi ra mắt sẽ là ca khúc quyết định.”

Trong lúc đó, Akina đề xuất nhà viết lời Kan Chinfa và nhạc sĩ Hayashi Tetsuji thực hiện tác phẩm thứ 7. Khi ấy là giữa tháng 9, chỉ 3 tháng trước ngày phát hành dự kiến. Hayashi Tetsuji nhớ lại.

“Tôi nhớ rằng lúc tôi đang thu âm thì giám đốc phụ trách sản xuất liên lạc tới studio. Mới đầu tôi nghe là anh Urino tiến cử tôi, nên tôi tưởng anh Urino sẽ viết lời, nhưng sau tôi nghe nói đó là mong muốn của Akina. Rằng cô ấy muốn tôi và anh Kan (cùng với Sugiyama Kiyotaka) sẽ viết một tác phẩm giống như của Omega Tribe vậy. Có vẻ cô ấy rất thích “SUMMER SUSPICION”.”

Hayashi ra mắt với tư cách ca sĩ - nhạc sĩ vào những năm 70. Mặt khác, ông cũng được chú ý với vai trò sáng tác nhạc, soạn nhạc. Trong số đó, “SEPTEMBER” (Takeuchi Mariya) (1979) là bản hit lớn. Ông cũng cung cấp cho Matsuda Seiko 2 tác phẩm trong album “Canary” vào năm 1983.

“Akina mới ra mắt năm thứ hai, nhưng đã chia đôi độ nổi tiếng với Matsuda Seiko. Theo nghĩa đó, tức là có tới 2 Yokozuna (*cấp bậc cao nhất trong sumo) trong giới idol, nên khi được yêu cầu sáng tác, nói thật tôi bị áp lực vì không biết nên là ca khúc thế nào. Giám đốc bảo tôi về một hình ảnh phức tạp, phong cách ở giữa của hình ảnh một cô gái nổi loạn và hình ảnh có phần ngây thơ mềm dẻo. Nhưng đối với tôi, nói thẳng ra tôi muốn tạo một tác phẩm du dương, phảng phất cảm giác u sầu. Không phải rock, cũng chẳng phải ballad.”

Nhân tiện, về phần nhạc, có loại “lời trước” tức thêm nhạc vào lời, và “nhạc trước” tức thêm lời vào nhạc, Hayashi thuộc loại “nhạc trước”.

“Phần nhạc được hoàn thành nhanh chóng. Nhưng phần lời gặp bế tắc… Có thể nói là phải mất nhiều thời gian để khắc họa hình tượng người phụ nữ trong phần lời, hoặc vì bản thân tôi cũng không thỏa mãn với nó, mà tôi vẫn nhớ đến chính tôi cũng không muốn mang nó ra khỏi studio nữa. Nó quá dài, nên tôi muốn chỉnh sửa lại cho gọn gàng hơn, nhưng lại không dễ dàng cắt bỏ. Tôi nhớ mình đã thêm vào guitar để điều chỉnh nội dung phần lời.”

Một tháng sau khi nhận yêu cầu sáng tác. Sản phẩm hoàn thành là “Kita Wing”.

“Tiêu đề ban đầu là “Midnight Flight” do anh Kan nghĩ ra. Khi viết lời bài hát anh ấy đã có luôn tựa đề rồi. Tuy nhiên, giám đốc lại đột nhiên muốn đổi tựa thành “Kita Wing”. Tất nhiên lúc đó tôi phản đối. Lý do là vì nó quá thẳng thừng, nên tôi nghĩ rằng không được thông minh cho lắm. “Midnight Flight” vẫn hay hơn. Nhưng sau đó, tôi được biết tiêu đề là chủ ý của Akina… Nếu vậy, tôi chẳng có lựa chọn nào khác ngoài việc đồng ý. Giờ nhớ lại thì, một lần nữa tôi lại cảm nhận trực giác nghệ sĩ của Akina rất đáng gờm.”

(Kỳ 68)
Từ “Midnight-” đến “Kita Wing”
Chứng minh khả năng trực giác sau nhiều lần thu âm lại
zakzak (20/04/2021)

Single thứ 7 “Kita Wing” phát hành vào ngày 1/1/1984 của Nakamori Akina là sản phẩm của 2 tác giả do chính Akina đề cử, nhà viết lời Kan Chinfa và soạn nhạc Hayashi Tetsuji. Thời điểm đó 2 người đã thực hiện tác phẩm của “Sugiyama Kiyotaka & Omega Tribe”, và khi nói về hình ảnh của ca khúc, Hayashi tiết lộ rằng Akina “có vẻ muốn chúng tôi viết một bài hát giống như của Omega Tribe”.

Trước Akina, Hayashi cũng đã cung cấp 2 tác phẩm trong album “Canary” (1983) của Matsuda Seiko, nhưng về Akina, “Cô ấy là thần tượng chia đôi độ nổi tiếng với Seiko, nhưng về mặt tác phẩm, tôi cảm giác như cô ấy đang tìm kiếm điều gì đó kiểu New Music. Chỉ mới năm thứ 2 ra mắt, nhưng tôi cảm thấy màu sắc riêng của cô ấy đã bắt đầu xuất hiện. Dường như cô ấy thường nghe nhạc của Omega Tribe. Có lẽ nó sẽ phù hợp với cô ấy”.

Điều mà Hayashi cảm nhận ở Akina chính là trực giác tức thì.

Tựa đề ban đầu của “Kita Wing” vốn là “Midnight Flight”. Tựa đề đã thay đổi theo ý tưởng của Akina. Sau đó, khi trình diễn trong chương trình “The Best Ten” (TBS), cô đã được người dẫn chương trình Kume Hiroshi hỏi về sự thay đổi này.

“Tôi đã nói rằng, có nhiều tựa đề được đề xuất, điều ấy không tốt lắm. Trong lời bài hát có từ “Kita Wing”... Tôi rất thích “Chuo Freeway” (Đường cao tốc Chuo) của Matsutoya Yumi”.

Và nói tiếp thế này.

“Tôi đã rất vui khi đến “Chuo freeway” và thực sự nhìn thấy nó. (Vì vậy) Nếu đi đến sân bay và thực sự nhìn thấy “Kita Wing”, thì chắc sẽ vui lắm…”

(*“Kita Wing” (Cánh Bắc) là tên gọi phần phía bắc nhà ga số 1 của sân bay quốc tế Narita).

Nhìn lại, trước đó cũng từng có sự thay đổi tựa bài hát của tác giả viết lời. “Furyou 1/2” được Urino Masao đổi thành “1/2 no Shinwa”.

“Khi ấy nó được thay đổi do ý muốn của NHK”, một người liên quan trong bộ phận quảng bá âm nhạc Nhật Bản tại Warner Pioneer (nay là Warner Music Japan) lúc bấy giờ cho biết. Tuy nhiên, chính Urino đã phàn nàn về sự thay đổi này, rằng “Tựa đề không đủ ấn tượng”.

Những suy nghĩ như vậy chắc hẳn cũng có trong Kan, người đã đặt tựa đề “Midnight Flight”. Hayashi cũng vậy, “Vì đó là ý muốn của Akina nên không thể từ chối, nhưng ban đầu, tôi đã phản đối việc thay đổi tựa đề”.

Tuy nhiên sau đó, “Kết quả là tựa đề “Kita Wing” được nhiều người đón nhận, cho cận cảnh sân bay Narita, và thời điểm đó còn được xem là bài hát của tỉnh Chiba. Nhưng điều quan trọng là tựa đề đã giữ một vị trí và để lại ấn tượng. Quả thật, đấy cũng là trực giác nghệ sĩ phải không”.

Từ lúc yêu cầu bài hát đến lúc biên khúc mất độ 1 tháng.

“Nếu chỉ nhạc thôi thì nhanh, nhưng tôi phải chuyển soạn (arrange). Khi chuyển soạn, tôi phải suy    nghĩ sao cho tác phẩm bao gồm cả concept thực sự phù hợp với Akina, nhưng đạo diễn bảo tôi không cần đến chỗ thu âm. Anh ấy bảo là Akina sẽ căng thẳng, làm tôi khá ngạc nhiên”.

Vì không thể có mặt tại studio, nên áp lực đối với tác phẩm rất lớn.

“Đoạn intro của arrange đưa vào giai điệu A, lời bài hát lấy cảm hứng từ sân bay, nhưng khi nghe đoạn băng demo đầu tiên, thú thực tôi cảm thấy lo lắng. Tôi muốn biến nó thành một tác phẩm hoàn hảo, nên tự hỏi rằng liệu có ổn không… Nhưng qua mỗi lần thu âm nó dần tốt hơn hẳn. Bản thu dần dần cải thiện và cuối cùng đã trở thành một tác phẩm hoàn hảo hơn những gì tôi tưởng tượng. Nếu nói sự khác biệt giữa Seiko và Akina, thì tôi nghĩ Akina là một thần tượng “slow starter””.

(*slow starter: không thể phát huy khả năng vốn có ở giai đoạn đầu, nhưng có thể phát huy 100% năng lực dần theo thời gian)

(Kỳ 69)
Vị trí hạng 1 Oricon bị “bóng ma” ngăn trở.
“Kita Wing” là bài hát quan trọng đối với cô ấy.
zakzak (27.04.2021)

Single thứ 7 của Nakamori Akina, “Kita Wing”, đã đưa lên sân khấu cánh phía bắc của nhà ga số 1 hiện tại (mặc dù nó không được gọi là “số 1” vào thời điểm đó…) trước khi nhà ga số 2 được mở tại Sân bay quốc tế Narita ở Chiba.

“Thời điểm đó, Matsuda Seiko và Nakamori Akia đều là “Hoàng Cương” (*yokozuna, cấp bậc cao nhất trong giới sumo) của giới idol. Tôi nghĩ điểm khác biệt của 2 người là… Akina thuộc kiểu bắt đầu chậm, hay gọi là tăng tiến dần. (Theo ý muốn của nơi sản xuất) Tôi không được đến nơi thu âm, nên phải đánh giá qua băng demo, nhưng bài hát không tốt ngay trong 1 lần, mà phải qua nhiều lần thu âm mà trở nên hoàn hảo… Hơn nữa cô ấy còn tạo ra hình ảnh của riêng mình và thay đổi. Cô ấy chính là kiểu thần tượng như vậy. Đó là lý do tác phẩm hoàn thành khác hẳn so với lần thu đầu tiên. Cô ấy là kiểu người luôn luôn tiến lên, hay có thể nói là người theo chủ nghĩa hoàn hảo”.

Hayashi Tetsuji, người phụ trách sáng tác nhạc và biên khúc cho “Kita Wing” đã đánh giá về Akina như thế, còn nhà phê bình Nakagawa Yusuke đã viết về bài hát đó trong cuốn sách “Matsuda Seiko to Nakamori Akina (Zouho-ban) - Ichi Kyuu Hachi 〇 Nendai no Kakumei” (Matsuda Seiko và Nakamori Akina (bản bổ sung) - Cuộc cách mạng những năm 1980) (Asahi bunko) thế này.

“Năm 1992, cùng thời điểm nhà ga số 2 được hoàn thành, cánh phía Bắc nhà ga số 1 được đưa vào cải tạo và đóng cửa cho đến năm 1999. Thời gian cánh Bắc ngừng hoạt động gần như trùng với thời điểm Nakamori Akina gặp phải nhiều rắc rối, tai tiếng, hoạt động ca hát cũng xáo trộn. Mỗi lần các fan của Nakamori Akia đến sân bay Narita, nhìn thấy cánh Bắc bị đóng cửa, họ lại thương cảm cho nỗi bất hạnh của cô. “Kita Wing” là bài hát quan trọng với Nakamori Akina đến mức tưởng như có mối quan hệ nhân quả giữa việc đóng cửa cánh Bắc để sửa chữa và thời kỳ hỗn loạn của cô ấy.”

“Kita Wing” được phát hành vào ngày 1/1/1984. Trong “cuộc đua giải thưởng” năm trước, và ngay cả “NHK Kouhaku Uta Gassen” đều tập trung duy nhất vào “Kinku”, nên những người trong ngành âm nhạc đã phân tích rằng, sự triển khai ra mắt “Kita Wing” là “thực sự rất khó khăn”, nhưng ca khúc đã chiếm vị trí thứ 2 trong lần đầu xuất hiện trên bảng xếp hạng single Oricon vào ngày 9/1. Hayashi nhớ lại.

“Việc phát hành vào ngày 1/1 là chiến lược của công ty thu âm, mọi người hẳn đều nghĩ hạng 1 đầu tiên của năm 1984 sẽ thuộc về Akina. Dĩ nhiên tôi cũng thấy áp lực… Vậy mà, tôi lại nghe rằng đó là vị trí thứ 2, thực sự rất sốc… Người phụ trách ở công ty thu âm cho biết nguyên nhân của thứ hạng 2 là do “bóng ma đã xuất hiện”.”

Bóng ma - ca khúc ngáng đường đến vị trí số 1 của Akina là “Moshimo Ashita ga…” (Nếu ngày mai…). Bài hát này được phát hành vào ngày 21/12 năm trước. Bảng xếp hạng là “dữ liệu gộp cuối năm cũ đầu năm mới”, vì vậy bất lợi quá lớn cho Akina, người chỉ được tính dữ liệu trong 1 tuần, đó là “một sai lầm chiến lược” (người liên quan âm nhạc).

“Moshimo Ashita ga…” là ca khúc nhạc nền chương trình “Kin-chan no Doko Made Yaru no!” của TV Asahi, được phát hành dưới tên “Warabe with KINDOKO FAMILY”. Đó là ca khúc hot, có những nghệ sĩ xuất hiện thường xuyên như Kurasawa Atsumi, Takahashi Mami, Fujimoto Masanori (nay là Mieharu), Maya Junko, Kosakai Kazuki, và Sekine Tsutomu góp giọng vào phần điệp khúc.

Tanaka Yoshiakira (hiện là tác giả hoạt động dưới bút danh “Sawasato Yuuji”), người phụ trách quảng bá cho Akina trong ban quảng bá âm nhạc Nhật Bản tại Warner Pioneer (nay là Warner Music Japan), nhớ lại.

“Diễn biến của bảng xếp hạng có phần giống hồi “Twilight -Yuugure Dayori-”. Bài hát này cũng bị tước mất vị trí số 1 bởi “Tantei Monogatari” của Yakushimaru Hiroko. Quả nhiên, các ca khúc chủ đề phim và bài hát nền TV được lên kế hoạch kỹ rất có sức tác động.”

Nhân tiện, “Moshio Ashita ga…” là bản hit lớn, chiếm vị trí số 1 bảng xếp hạng single của năm Oricon vào năm 1984.

(Kỳ 70)
Bước ngoặt từ sau “Kita Wing”.
Phạm vi tác phẩm đa tầng với sự bổ sung đội ngũ tác giả mới.
zakzak (11/05/2021)

 Single thứ 7 “Kita Wing” được chuẩn bị kỹ lưỡng cho ngày phát hành (ngày 1/1/1984), nhưng lại bị “Moshi mo Ashita ga” của Warabe (phát hành ngày 21/12/1983) cản bước trên bảng xếp hạng single Oricon, chỉ đứng hạng 2 trong lần đầu góp mặt. Hơn nữa, sau đó cũng không tiến lên được vị trí hạng 1, và thứ hạng cao nhất cuối cùng là hạng 2.

 “Thú thật tôi rất tiếc”, Hayashi Tetsuji, người sáng tác và biên khúc, cho biết.

 “Ai cũng chắc mẩm vị trí số 1 từ trước khi phát hành. Vì lẽ đó tôi thấy rất áp lực, nhưng mặt khác tôi vẫn tự tin về tác phẩm của mình, nên đối với kết quả, rốt cuộc tôi chỉ có thể nói “là vậy à” “đành chịu thôi”. Tuy nhiên, nếu tôi nói chẳng để tâm gì đến bảng xếp hạng thì là nói dối, vì vậy tôi đã buột miệng “Hả!” khi nghe về vị trí thứ 2. Nhưng bảng xếp hạng không phải thứ đánh giá tác phẩm, nên thật tốt khi đến giờ “Kita Wing” vẫn được xem là 1 trong những ca khúc tiêu biểu của Akina.”

 Mặc dù vuột mất vị trí hạng 1 trên bảng xếp hạng Oricon, nhưng ca khúc lại đứng nhất 5 tuần liên tiếp, từ số phát sóng ngày 19/1 tới 16/2, trên chương trình âm nhạc ăn khách lúc bấy giờ là “The Best Ten” (TBS).

 Tanaka Yoshiakira (hiện là tác giả hoạt động dưới bút danh “Sawasato Yuuji”), người phụ trách quảng bá cho Akina tại bộ phận quảng bá âm nhạc Nhật Bản của Warner Pioneer (nay là Warner Music Japan), nhớ lại.

 “Trường hợp của Akina, có thể nói là chất lượng tăng tiến dần qua mỗi lần hát. Đó là nỗ lực của Akina, cũng là tài năng bẩm sinh của cô ấy. “Kita Wing” càng hát càng được nâng cấp. Đó là tác phẩm được đánh giá rất cao ngay cả với người trong nghề. “Kita Wing” là tác phẩm đầu tiên của cô ấy giành được hạng 1 trong lần đầu xuất hiện trên chương trình “The Best Ten”. Đứng nhất 5 tuần liên tiếp giữa những Warabe, “Hitomi wa Diamond” của Matsuda Seiko, “Kanashimi ga Tomaranai” của Anri, “Hoshizora no Distance” của ALFEE (hiện là THE ALFEE), tôi nghĩ ca khúc rất được người xem đánh giá cao.”

 Tanaka cũng tiết lộ, “Từ khoảng thời gian này, cô ấy cũng bắt đầu thể hiện cá tính riêng của mình, không chỉ trong tác phẩm, mà cả trang phục nữa.”

 “Quan điểm riêng của Akina, vốn là người nhạy cảm với không khí thời đại, đã trở nên mạnh mẽ hơn. Có thể nhận thấy ở nơi sản xuất, cô ấy không còn nhất nhất tuân theo ý kiến của đạo diễn nữa. Không biết có phải vì ý kiến của Akina, mà tựa đề bài hát ban đầu được chấp nhận đổi thành “Kita Wing” một cách kỳ lạ không.”

 Nhân tiện, sau đó “Kita Wing” được phát hành dưới dạng đĩa đơn đặc biệt double A-side với bài hát coupling “Refrain” (lời Matsui Goro, nhạc Matsuda Ryo), và “cuối cùng trở thành tác phẩm bán ra được hơn 1 triệu bản” (Tanaka).

 Vì lý do đó, “Ngay cả bây giờ, tôi vẫn nghĩ bước ngoặt của Akina rơi vào khoảng năm 84 - 85, bắt đầu từ “Kita Wing” cho đến “Mi Amore”. Nói vậy là vì bắt đầu từ “Kita Wing”, cùng với việc bổ sung các tác giả mới bên cạnh phong cách của Kisugi (chị em Etsuko - Takao) và Urino (Masao), mà phạm vi tác phẩm đã đa dạng hơn. Đồng thời, các tác phẩm khoác lên mình cảm giác resort và lộng lẫy cũng xuất hiện, như thể phản chiếu hình ảnh xã hội thời kỳ bong bóng. Tôi nghĩ điều đó cũng dẫn đến bước chuyển lớn trong việc sản xuất âm nhạc sau này của Akina.”

 Năm thứ 3 debut. Một khởi đầu mới đối với Akina đã mở ra.

(Phóng viên giải trí - Watanabe Yuuji)

No comments:

Post a Comment