Saturday, August 28, 2021

“Huyền thoại một Diva: Dấu tích và Phép màu của Nakamori Akina” (Kỳ 52~60)


 (Kỳ 52)
“Twilight” chịu thua trước sức mạnh của Yakushimaru Hiroko.
Nỗi phiền não khi không thể đánh đổ hình ảnh của “bộ 3 tác phẩm nổi loạn”.

zakzak (22/12/2020)
Trái với kỳ vọng của mọi người xung quanh, “Twilight -Yuugure Dayori-”, tác phẩm phát hành vào ngày 1/6/1983, năm thứ 2 từ khi debut của Nakamori Akina, chỉ giành được thứ hạng 2 trong lần đầu góp mặt bảng xếp hạng Oricon (ngày 13/6).

Tanaka Yoshiakira (hiện là tác giả hoạt động dưới tên “Sawasato Yuuji”), người phụ trách quảng bá cho Akina tại Warner Pioneer (hiện là Warner Music Japan), nhớ lại: “vấn đề lớn nhất là thời điểm”.

Thời điểm không tốt tức là… Một người liên quan biết về tình hình lúc đó cho biết.

“Rõ ràng Akina rất được chú ý, và chúng ta đã khá xem nhẹ khả năng của Yakushimaru Hiroko. “Tantei Monogatari” là single thứ 2 của Yakushimaru, nhưng lại là ca khúc chủ đề cho bộ phim mà cô đóng chính do Kadokawa Haruki sản xuất (đồng diễn Matsuda Yusaku), nên thời điểm đó được PR khác thường. Sức nóng vượt xa sức tưởng tượng, là bản hit bùng nổ với hơn 500.000 bản đặt trước. Ngay cả một tên tuổi đang lên như Akina cũng không chịu nổi.”

Doanh thu phòng vé của “Tantei Monogatari” vượt qua 5 tỷ yên, và single của Yakushimaru độc chiếm vị trí hạng 1 suốt 7 tuần liên tiếp. Kết quả, Akina chỉ dừng chân ở hạng 2, vuột mất vị trí thứ 1 một cách đáng tiếc.

Tiện đây, vị trí hạng 1 suốt 7 tuần liên tiếp cũng dài hơn 1 tuần so với kỷ lục hạng 1 trong 6 tuần liên tiếp của Akina với “1/2 no Shinwa”. Sau này, “Kousa ni Fukarete” của Kudo Shizuka cũng chỉ được 6 tuần đứng hạng 1, và đến nay vẫn chưa có nữ nghệ sĩ solo nào phá vỡ kỷ lục 7 tuần của Yakushimaru. Và đó là lý do Tanaka cảm thấy tiếc nuổi “Giá mà lúc đó chúng tôi có thể lấy được vị trí thứ 1…”

“Đó là single đầu tiên tôi độc lập phụ trách quảng bá cho Akina, nên tôi vẫn mãi đeo đẳng cảm giác tiếc nuối ấy.” (Tanaka)

Ca khúc bắt đầu bằng vị trí thứ 9 trong lần đầu xuất hiện trên “The Best Ten” (TBS) vào ngày phát sóng 16/6, nhưng 2 tuần sau đã giành hạng 1 trong 2 tuần. Khi MC Kuroyanagi Tetsuko hỏi về tác phẩm, Akina đã bộc bạch “(Khi được quyết định đây là ca khúc mới), em đã bảo rằng nó rất rất, rất khó hát… Giọng của em trầm, nên cảm thấy rất lo lắng khi ca khúc bắt đầu bằng quãng cao. Nhưng đây là một bài hát giàu cảm xúc. Em thích những bài hát êm đềm, nên em thích bài này.”

Tomioka Nobuo (hiện là giám đốc đại diện momo&grapes), người tiền nhiệm Tanaka phụ trách quảng bá cho Akina từ khi debut, điềm tĩnh phân tích.

“Tôi vẫn nghĩ đây là ca khúc hay nhất trong “bộ 3 tác phẩm ballad” của bộ đôi Kisugi (Etsuko và Takao). Tuy nhiên đối với Akina hơi quá sức, nên có lẽ đó là nguyên nhân khiến doanh số tuột dốc. Tôi nhớ thời đó, “Shojo A” đạt 1 triệu bản, “Second Love” 1,2 triệu bản, còn “1/2 no Shinwa” là 1 triệu bản, nhưng “Twilight” chỉ rơi vào khoảng 400.000 - 500.000 bản. Tóm lại, cho dù đó là một tác phẩm xuất sắc, nhưng nó có lẽ hơi khác với một tác phẩm mà người nghe mong muốn từ Akina.”

Trong những ý kiến này, Tanaka nói về tâm tình của Akina.

“Cả truyền thông và người hâm mộ đều áp suy nghĩ “Shojo A” và “1/2 no Shinwa” vào “hình tượng Akina”. Theo nghĩa đó cô có thể trở thành ứng cử viên sáng giá nhất cho “Momoe đệ nhị”, nhưng rõ ràng thời điểm đó, Akina yêu thích phong cách của bộ đôi Kisugi. Mặt khác, tôi nghĩ cô ấy chẳng thấy vui vẻ gì khi hình mẫu “Shojo A” do Urino Masao tạo ra đã bị hiểu nhầm là tính cách của chính cô. Tuy nhiên, truyền thông đã cố gắng đồng hóa điều đó, vì vậy là một người quảng bá, tôi thực sự đã nghĩ “hơi rắc rối nhỉ”.”


(Kỳ 53)

Vị trí thứ 2 gây sốc trong lần đầu góp mặt Oricon của “Twilight”.

“Hiệu lệnh” thay đổi bầu không khí hỗn loạn, nội bộ công ty đồng tâm hiệp lực, từ rút kinh nghiệm sang “giành giải”.

zakzak (29.12.2020)

Single “Twilight -Yuugure Dayori-” với đội ngũ nhân sự hoàn toàn mới, đã ra mắt với vị trí thứ 2 trên bảng xếp hạng Oricon. Hơn nữa, thứ hạng sau đó cũng không tăng, và đĩa đơn đáng lẽ sẽ tạo đà cho năm thứ 2 ra mắt, cuối cùng lại dừng ở kết quả đáng tiếc với vị trí cao nhất là thứ 2.

Việc để vuột mất vị trí đầu bảng đã gây ra tác động lớn. Tanaka Yoshiakira (hiện là tác giả hoạt động dưới tên “Sawasato Yuuji”), người phụ trách quảng bá cho Akina tại Warner Pioneer (hiện là Warner Music Japan), nhớ lại lúc đó.

“Tôi nghĩ bản thân Akina cũng sốc lắm. Vì mọi người xung quanh đều nghĩ việc chiếm được hạng 1 là lẽ đương nhiên mà. Và chính Akina là người cảm nhận rõ nhất điều đó. Tất nhiên là người phụ trách quảng bá cho Akina, nhìn từ lập trường của tôi, dù với lý do gì, thì chiến lược bảng xếp hạng là nhiệm vụ quan trọng của người phụ trách quảng bá. Tuy con số không khả quan nhưng rõ ràng về mặt tác phẩm vẫn tuyệt vời, đó là điều không phải bàn cãi, tuy nhiên nếu buộc phải nói, thì có lẽ nó thiếu một chút sức tác động. Cái gọi là “con đường nổi loạn” của Urino Masao có trong “Shojo A” và “1/2 no Shinwa” đã trở thành hình ảnh mạnh mẽ như là thế giới độc đáo của Akina. Tất nhiên việc xen kẽ “bộ 3 tác phẩm ballad” là “Slow Motion”, “Second Love”, và “Twilight” sẽ làm nổi bật giọng hát của Akina, nhưng không thể phủ nhận, “hình tượng Akina” trong lòng khán giả có khoảng cách quá lớn với “Twilight”.”

Tuy nhiên, kết quả hạng 2 trong lần đầu có mặt trên bảng xếp hạng đã bao trùm một bóng đen khó tả giữa đội ngũ nhân viên.

“Ngoại trừ director (người đã bỏ ý nghĩ chuyển sang công ty thu âm mới Hummingbird), thì toàn bộ nhân viên kể cả tôi đều là những gương mặt mới, nhưng mặc cho chúng tôi đã đoàn kết một lòng để tạo ra bước tiến nhảy vọt cho Akina trong năm thứ 2 ra mắt, chúng tôi vẫn để vuột mất vị trí số 1. Tôi nghĩ mọi người đều thất vọng. Cũng có những hoài nghi về triển vọng trong tương lai.”

Tuy nhiên, điều khiến bầu không khí hỗn loạn trong công ty thay đổi chính là “hiệu lệnh” về “mục tiêu giải thưởng cuối năm”. Người lên tinh thần cho họ chính là người phụ trách sản xuất quảng bá thực tế của Akina, Terabayashi Akira (hiện là cố vấn kinh doanh của Avex label). Terabayashi đã phân bổ ngân sách của bộ phận âm nhạc phương Tây vào chi phí quảng bá cho Akina, vì cho rằng chỉ ngân sách quảng bá của bộ phận âm nhạc Nhật Bản ở Warner là không đủ. Một giám đốc sản xuất hiểu rõ về Warner cho biết.

“Vào thời điểm debut cũng rót chi phí từ nhạc phương Tây, tổng cộng đã xoay sở được 100 triệu yên phí quảng bá, nhưng người phụ trách quảng bá cho nhạc phương Tây đã có ý kiến không hài lòng về việc lại cắt giảm phí quảng bá của bộ phận nhạc phương Tây. Tuy nhiên anh Terabayashi đúng kiểu người sẽ làm như thế. Vị trí thứ 2 bảng xếp hạng ngược lại có lẽ đã thúc đẩy anh ấy, và đặt cược vận mệnh của Warner vào Akina. Từ năm thứ 2 trở về sau có lẽ là chìa khóa thành bại đối với Akina.”

Tanaka nói. “Mặc dù công ty đã từng làm việc trong các giải thưởng người mới, nhưng chỉ có thể thực hiện vào thời gian rỗi việc thôi. Năm 1982 các công ty thu âm đã hợp tác với nhiều nhà sản xuất lớn để cho ra mắt vô số thần tượng, như Koizumi Kyoko, Matsumoto Iyo, Hori Chiemi, Hayami Yu, Ishikawa Hidemi, Shibugakitai… Akina bị lu mờ giữa họ. Sau đó, dù với tư cách nghệ sĩ hay tác phẩm, cô đều chiếm vị trí hàng đầu về số lượng mà ai cũng phải công nhận, nhưng thực sự ban đầu cô không được đánh giá cao trong ngành, cuối cùng phải nếm trái đắng tại giải thưởng tân binh. Rút kinh nghiệm đó, vào năm thứ 2 nội bộ công ty đã đồng lòng hướng tới việc “giành giải thưởng”. Chúng tôi đã có được mục tiêu mới. Bầu không khí cũng thay đổi, chúng tôi suy nghĩ tích cực hơn và cố gắng hết sức có thể.”


(Kỳ 54)
Phản đối trang phục thần tượng theo thẩm mỹ của người xung quanh “như ở quán rượu…”
Khai phá phong cách thời trang nổi bật “Akina”

zakzak (05.01.2021)
Mặc dù doanh số “Twilight -Yuugure Dayori-” của Nakamori Akina rất chậm chạp, nhưng mặt khác những màn biểu diễn của cô trên cáp, radio, và truyền hình lại được yêu thích. Một người liên quan trong âm nhạc nhớ lại.

“Đó là thời đại mà các chương trình ca nhạc có tỉ lệ người xem cao cạnh tranh nhau hàng ngày, radio thì có chương trình theo yêu cầu qua điện thoại “Denriku”, truyền hình thì có “Yoru no Hit Studio” (Fuji TV), “The Best Ten” (TBS) và “The Top Ten” (Nihon TV). Trong số đó Nakamori được chú ý như là ứng viên nặng ký có thể trở thành “Hậu Momoe”, sánh vai cùng với (Matsuda) Seiko đã ra mắt vào năm 1980. Không quá lời khi nói rằng, nửa sau thập niên 70 là thời của Pink Lady, còn thập niên 80 là Seiko và Akina. Chính là sức hiện diện mà hầu như ngày nào mọi người cũng nhìn thấy Akina. Mặc dù bản thân Akina cũng ngưỡng mộ Yamaguchi Momoe, nhưng mặt khác tôi nghĩ cô ấy cảm thấy miễn cưỡng khi được gọi là “Hậu Momoe”. Vì cô ấy muốn là chính mình.”

Về lập trường của cô ấy, Tanaka Yoshiakira (hiện là tác giả hoạt động dưới tên “Sawasato Yuuji”), người phụ trách quảng bá cho Akina tại Warner Pioneer (hiện là Warner Music Japan), cũng nói “Tôi chẳng hề mảy may nghĩ rằng sẽ biến cô ấy thành “Hậu Momoe”. Đối với chúng tôi, đây là cách biểu hiện để mọi người công nhận sức hiện diện của cô ấy”, còn về Akina, anh cho biết điều lưu lại ấn tượng mạnh nhất chính là “sự chú trọng về trang phục”.

“Tôi phụ trách quảng bá cho Akina từ năm 1983, nhưng ấn tượng đầu tiên khi tôi gặp cô ấy ở nơi làm việc, là thái độ không mấy hài lòng về trang phục.”

Câu chuyện Akina để tâm về trang phục gấp đôi người bình thường vốn đã nổi tiếng rồi. Đến mức trên internet cũng có bình luận rằng “Từ thời mới debut, cô ấy đã tự tham gia vào các khâu phục trang, make-up, biên đạo, cũng tích cực đề xuất ý kiến vào quá trình sáng tác nhạc”. Vậy sự thật thế nào?

Tomioka Nobuo, người từng phụ trách quảng bá tại Warner cho Akina trong 1 năm từ trước khi cô debut (hiện là giám đốc đại diện của momo&grapes company) kể lại.

“Vốn cô ấy đã phàn nàn rằng không thích trang phục hồi debut mà. Kiểu như nói rằng “thẩm mỹ tệ quá”..., tuy vậy cô ấy vẫn nhẫn nhịn mà mặc nó. Akina thích trang phục nhã nhặn với màu đen làm chủ đạo. Dù vậy, chúng tôi không thể để trang phục ra mắt quá đơn giản hay toàn màu đen được. Tất nhiên khi cô ấy nói về gu trang phục của mình, tôi không có lời nào để đáp lại… Đối với Akina, cô ấy có vẻ thích những trang phục cơ bản có thể mặc thường xuyên. Tuy nhiên có vài điều chúng tôi không thể làm vì vấn đề kinh phí, nhưng, trang phục thì nhất định sẽ tự mang về. Có thể cảm nhận sự tận tâm của cô ấy đối với trang phục qua hành động đó.”

Mặt khác, Tanaka kể, “Trang phục của thần tượng thời đó đại để là váy ngắn có gấu váy phồng. Còn trang phục trên tạp chí thần tượng chủ yếu theo kiểu công chúa. Hori Chiemi, Hayami Yu, Koizumi Kyoko… tất cả đều lên sân khấu trong những bộ trang phục thần tượng sẫm màu với thiết kế tương tự nhau”, và nói tiếp thế này.

“Thậm chí có lần, Akina đã bảo tôi thế này. “Trông như trang phục ở quán rượu vậy…”, “Bình thường anh nghĩ ai sẽ mặc loại quần áo này?”. Sốc thật ha. Tôi vẫn nghĩ các trang phục trên tạp chí thần tường là mặc theo sở thích của người đó. Cô ấy mới 16, 17 tuổi, nhưng đã phản bác những bộ quần áo cá nhân được phân phối và trang phục chọn theo thẩm mỹ của những người lớn xung quanh, theo cách riêng của cô ấy. Và chuyện xảy ra sau này. Chỉ cần thoáng nhìn qua trang phục của Akina sẽ hiểu ngay, tại sao gu thời trang xuất sắc của cô ấy lại khiến mọi người kinh ngạc… Bản năng của cô ấy đã bùng nổ, và một Akina riêng biệt đã nở rộ trước mắt chúng ta.”


(Kỳ 55)
Tác động quá mạnh từ âm nhạc và hình ảnh.
Quảng bá chú trọng vào concept.

zakzak (19.01.2021)
Với “bộ 3 tác phẩm ballad” của chị em Kisugi (Kisugi Etsuko, Takao) là “Slow Motion”, “Second Love”, “Twilight -Yuugure Dayori-”, và các tác phẩm của nhà viết lời mới vào nghề Urino Masao là “Shojo A”, “1/2 no Shinwa”, Nakamori Akina đã một bước thành sao, nhưng kể từ khi ra mắt, cô chưa hề có ca khúc hợp tác làm nhạc chủ đề phim truyền hình hay CM nào.

Một người liên quan âm nhạc hiểu rõ thời đó đã lấy Matsuda Seiko làm ví dụ, “Ca khúc ra mắt “Hadashi no Kisetsu” của Seiko là image song của sữa rửa mặt “Ekubo” thuộc thương hiệu mỹ phẩm Shiseido, nhưng vì cô ấy không có lúm đồng tiền (ekubo), nên người ta bảo rằng không thể chọn cho CM được. Chủ tịch Aizawa Hideyoshi của văn phòng chủ quản Sun Music lúc đó đã nài nỉ và ca khúc đã được sử dụng. Tuy nhiên vì tên của Seiko không xuất hiện trên màn hình, nên khán giả dồn dập hỏi “Là ai hát vậy?”, có thể nói Seiko đã được chú ý nhờ hiệu ứng hợp tác với CM. Sau này “Kaze wa Aki Iro” và “Natsu no Tobira” cũng tiếp tục trở thành bài hát cho CM.”

Ngoài ra, “Nhớ lại thì, những thần tượng được gọi là “Hana no 82-nen gumi” như Matsumoto Iyo, Hayami Yuu, và vợ của Nakamura Shikan đời thứ 8 là Mita Hiroko -người đang gây chú ý vì cách ứng phó tuyệt vời với nghi ngờ ngoại tình của chồng mình- cũng có ca khúc hợp tác, nhưng Koizumi Kyoko, Ishikawa Hidemi, Hori Chiemi, cả Shibugakitai của Johnny’s hầu như đều cạnh tranh bằng chính bài hát. Rốt cuộc, do sự thịnh hành của chương trình âm nhạc trên truyền hình và chương trình phát thanh theo yêu cầu, mà phương thức bán hàng của các thần tượng mới cũng có khác biệt. Tuy nhiên, Hayami Yuu được chọn cho CM “Bass Bon Hair Colon Shampoo Rinse” của Shiseido, là một trong những thần tượng cùng thời ưu tiên nhiều nhất cho chiến lược kết hợp thương mại. Mặt khác, phần do ca khúc của Akina có tác động quá mạnh, nên khó được sử dụng làm CM sản phẩm cũng như nhạc chủ đề phim truyền hình. Hơn nữa, bản thân chiến lược xen kẽ phong cách ballad và nổi loạn không có ở các thần tượng khác cùng thời, e rằng không phù hợp để hợp tác thương mại.”

Tomioka Nobuo (hiện là giám đốc đại diện cho momo&grapes company), người phụ trách quảng bá cho Akina tại bộ phận quảng bá âm nhạc Nhật Bản của Warner từ trước khi cô debut, cho biết, “Trường hợp của Akina là chú trọng vào concept, nói chung là ưu tiên ca khúc, nên không hướng tới hợp tác thương mại. Hình ảnh của Akina cũng là một lý do. CM chú trọng hình ảnh nhân vật mà. Rốt cuộc, dù tốt hay xấu, thì âm nhạc, cũng như hình ảnh đều có tác động quá mạnh. Chúng tôi cũng hiểu chuyện đó, nên mới tiến hành chiến dịch quảng bá đều đặn trên toàn quốc, và đặt ca khúc lên hàng đầu.”

Trong chiến dịch, để thể hiện tối đa sức hấp dẫn của Akina, concert cũng được lên kế hoạch kết hợp cùng với phát hành album.

“Các chiến dịch toàn quốc đã diễn ra liên tục từ khi cô ấy debut, nên tôi nghĩ đã có nhiều fan của Akina cùng thời điểm đó. Đã có nhiều lời kêu gọi tổ chức concert ngay từ album đầu tiên “Prologue (Jomaku)”.” (Tomioka)

“First concert Akina ni Attara Doki!” được tổ chức lần đầu tiên vào ngày 10/8/1982 tại Nakano Sun Plaza Hall, Tokyo.

Sau đó, concert cũng được tổ chức tại Shibuya Public Hall vào mùa thu (27/11). Từ ngày 27/2 đến 19/6/1983, tour toàn quốc chính thức “Akina Milkyway’83 Haru no Kaze wo Kanjite” cũng được tổ chức, với tổng cộng 19 buổi công diễn tại 18 thành phố trên toàn quốc, bắt đầu từ Tokyo Kousei Nenkin Kaikan ở Shinjuku, cho đến Ota Civic Hall ở Gunma.


(Kỳ 56)
Chưa đầy 10 tháng ra mắt, sức hiện diện đã vượt qua ranh giới của người mới.
Concert cũng yêu cầu sự “hoàn hảo” nghiêm khắc.

zakzak (26.01.2021)
Một tháng sau khi phát hành single “1/2 no Shinwa”, ngày 23/03/1983, album thứ 3 của Nakamori Akina “Fantasy (Gensoukyoku)” được phát hành. Bắt đầu từ Tokyo - Shinjuku Kousei Nenkin Kaikan (ngày 27/2) đến Gunma - Oita Minkaikan (19/6), tour diễn “Akina Milkyway’ 83 Haru no Kaze wo Kanjite” đã mở rộng 19 buổi công diễn trên 18 thành phố toàn quốc. Đây là tour lưu diễn toàn quốc chính thức đầu tiên của Akina.

Tanaka Yoshiakira (hiện là tác giả hoạt động dưới tên “Sawasato Yuuji”) là người phụ trách quảng bá cho single, album và tour diễn toàn quốc này.

Tanaka ban đầu làm copywriter cho công ty quảng cáo Tokyu cùng với Urino Masao. Sau khi Urino trở nên nổi tiếng nhờ viết lời cho “Shojo A”..., ông bắt đầu hứng thú với công việc quảng bá cho nghệ sĩ và chuyển đến Warner Pioneer (hiện là Warner Music Japan). Ông được chỉ định vào bộ phận quảng bá âm nhạc Nhật Bản. Tuy nhiên bỗng chốc đã xảy ra “khủng hoảng nội bộ” xung quanh việc “chuyển việc” của Akina và việc công ty thu âm mới “Mycal Hummingbird” được thành lập.

“Tôi đang tự hỏi rốt cuộc mọi chuyện sẽ thành ra thế nào khi ngày phát hành single và album của Akina đang đến gần, thì hầu hết các nhân viên phụ trách sản xuất, quảng bá cho Akina từ khi ra mắt đã rời khỏi công ty. Vì thế nhân viên còn sót lại là tôi đã được giao phụ trách quảng bá cho Akina.”

Akina ra mắt vẫn chưa đầy một năm, nhưng “sức hiện diện đã vượt xa ngưỡng của người mới”.

“Tôi có thể cảm nhận rõ sự không hài lòng của cô ấy đối với nhân viên. Nhưng cô ấy chưa bao giờ mở lời phàn nàn… chỉ lộ ra cảm giác như thế thôi. Chỉ mới ở độ tuổi 16, 17, nhưng ở cô ấy có cảm giác điềm tĩnh kỳ lạ. Dù sao thì chúng tôi bị bao quanh giữa bầu không khí căng thẳng lạ thường…, đến giờ điều đó vẫn còn trong tâm trí tôi.”

Nếu tìm kiếm về Akina trên internet, ta sẽ bắt gặp ghi chép “Ngay từ thời mới debut, cô ấy đã tham gia vào khâu trang phục, make-up, vũ đạo, và tích cực đề xuất ý kiến riêng về các ca khúc”. Vậy, Akina thật sự thế nào?

“Thời điểm đó, thế giới thần tượng vẫn vận hành chủ yếu dựa trên ý kiến của nhân viên hơn là của bản thân thần tượng. Tóm lại, “theo phương hướng thế này”, “mặc quần áo thế này”, “khí chất thế này”,... đó là chuyện do người lớn như nhân viên của công ty quản lý và thu âm quyết định, chứ không phải chuyện bản thân thần tượng muốn thế nào. Giờ nhớ lại đã có nhiều lúc tôi cũng nghĩ như thế.”

Trên hết về trang phục, “Nói thật, tôi nghĩ trong lòng cô ấy không thích chúng. Khi nhìn vào trang phục của Akina sau này, chúng ta có thể hiểu gu thời trang của cô ấy nổi bật thế nào. Tôi vẫn nhớ không lâu sau khi tôi phụ trách quảng bá, cô ấy cho dù có không thích trang phục, vẫn không hề nói thẳng rằng “em không muốn mặc”. Cô ấy chỉ hạ thấp giọng “Vâng, em biết rồi”. Cảm giác đó thật sự rợn người đấy.”

Mặt khác, cô ấy cũng thể hiện rõ mong muốn riêng về concert.

“Các thần tượng thời đó công diễn 2 buổi trưa và tối, nhưng Akina không thích điều đó. Về cơ bản hoạt động trên sân khấu và MC đều được định sẵn chi tiết trong kịch bản, nên khi bắt đầu sẽ lặp lại một kịch bản trong cùng 1 ngày, thật kỳ lạ, và cô ấy ghét điều đó… Sau đó, mặc dù là lập trường riêng, cô ấy cũng bày tỏ rõ mong muốn “làm concert vào buổi tối”. Cô ấy cũng chú ý kiểm tra về máy bay mình sẽ lên khi di chuyển. Vì dường như cô ấy không muốn tập duyệt chương trình khi tai vẫn còn bị ảnh hưởng bởi áp suất không khí. Nói chung cô ấy theo đuổi mạnh mẽ sự hoàn hảo và những điểm chưa hài lòng, chưa hợp ý một cách nghiêm khắc.”

Đó có thể là nguyên tắc tối thiểu của Akina với tư cách một nghệ sĩ.


(Kỳ 57)
Sốc!! Trang phục bị đánh cắp trong tour lưu diễn toàn quốc đầu tiên.
Được trả lại sau một tuần được bàn luận trên “The Best Ten”.

zakzak (02.02.2021)
Vào năm thứ 2 sau khi debut, tour diễn “Akina Milkyway’ 83 Haru no Kaze wo Kanjite” đã tổ chức 19 buổi công diễn ở 18 thành phố, bắt đầu từ Tokyo-Shinjuku Kousei Nenkin Kaikan cho đến Gunma-Ota Civic Hall.

Đây là tour diễn toàn quốc đầu tiên của Nakamori Akina, nhưng vé đã bán hết ngay trong ngày, “là tour diễn phô bày độ nổi tiếng của Akina đúng theo nghĩa đen” (người phụ trách biên tập một tạp chí thần tượng).

Một cây bút viết về âm nhạc được mời tham dự concert tại Tokyo-Shinjuku Kousei Nenkin Kaikan ngày đầu tiên lưu ý rằng “ký ức của tôi không rõ ràng”, và kể lại.

“Tôi nhớ Akina hồi debut tuy không được để ý đến, nhưng sự ủng hộ từ người hâm mộ thực đáng kinh ngạc. Sự phát triển nhanh chóng của Akina có lẽ đã khiến tất cả người trong ngành ngạc nhiên. Cứ đến concert đó là sẽ hiểu. Tôi còn nhớ cả điểm biểu diễn trở thành cơn bão tiếng cổ vũ, và có nhiều fan trông như cận vệ binh vậy. Mở đầu là “Second Love”, tiếp theo là “Shojo A”. Phần encore là “Slow Motion” và “Shojo A”. Có lẽ vì là tour diễn đầu tiên nên cô ấy không quen nói trước đám đông, cứ ấp úng ngập ngừng, nhưng ngược lại điều đó lan tỏa sự trẻ trung tươi mới. Đó là một concert có sức ảnh hưởng, giờ nhìn lại thì phần dàn dựng sân khấu cũng nhằm mục đích làm nổi bật giọng hát của Akina, đây cũng có thể là một chiến lược.”

Về concert này, chính Akina cũng từng nói trong một cuộc phỏng vấn tạp chí: “Công ty của tôi hầu như không có kinh nghiệm về vấn đề thần tượng, nên tôi có thể bày tỏ ý kiến của mình về concert một cách tương đối thoải mái. Vì thế, tôi đã nói về việc nhìn thấy chiến dịch quảng bá của Pink Lady mà tôi rất yêu thích lúc bấy giờ, và nội dung đã được thông qua”, mặt khác một người liên quan trong âm nhạc cũng cho biết “Mẹ cô ấy cũng đóng vai trò rất lớn.”.

“Khác với những “stage mama”(*) ngày nay, mẹ của Akina giống người tư vấn cho cô ấy hơn. Bà ấy tin tưởng vào công ty quản lý và thu âm, nên không can thiệp sâu vào công việc của họ, nhưng mặt khác bà hiểu rõ tính cách của Akina, nên bên cạnh sự nghiêm khắc, bà cũng khen ngợi cô ấy. Akina là kiểu người sẽ rất vui khi được khen ngợi, nên có lẽ concert cũng là dịp cô ấy cố gắng để được mẹ khen ngợi.”

(*)người mẹ đồng hành cùng các hoạt động nghệ thuật của con và cư xử như người quản lý.

Để kết hợp với single “1/2 no Shinwa” (phát hành ngày 23/2/1983) và album thứ 3 “Fantasy (Gensoukyoku)” (phát hành ngày 23/3), thì tour diễn toàn quốc bắt đầu từ ngày 27/2, và kéo dài cho đến khi single tiếp theo “Twilight - Yuugure Dayori” được phát hành vào ngày 19/6.

Tuy nhiên tại concert được tổ chức riêng tại Kyushu-Oita (ngày 27/7), một sự cố đã xảy ra.

Tại concert, Akina cũng không quên kiểm tra trang phục sau mỗi buổi biểu diễn, và đó là lúc cô phát hiện trang phục đã bị ai đó lấy trộm. Một người tổ chức sự kiện lúc đó cho biết.

“Quần áo được để trên một xe đẩy di động đặt bên cạnh cánh gà sân khấu, nhưng khi kiểm tra trước khi xếp đồ lên, thì chỉ còn lại 1 bộ được sử dụng khi encore trong 6 bộ quần áo, 5 bộ kia đã biến mất. Đương nhiên lúc đó rất hỗn loạn. Vì sau đó còn có concert đơn lẻ… Tuy có quần áo dự phòng nhưng chúng tôi đã không có được một sân khấu hài lòng về mặt tinh thần. Akina bị sốc lớn vào thời điểm đó, và sự việc trở thành đề tài trên “The Best Ten” (TBS). Sau đó khoảng 1 tuần, nghe đâu 3 bộ quần áo đã được trả lại. Có lẽ vì nghe về vụ hỗn loạn nên trả lại, nhưng rõ ràng việc quản lý quả thực lỏng lẻo so với bây giờ.”


(Kỳ 58)
“Kinku” - Ca khúc thứ 3 trong bộ 3 tác phẩm nổi loạn.
Tiêu đề được nhà viết lời Urino Masao lấy cảm hứng từ concert tại Bắc Kinh của ALICE.

zakzak (09.02.2021)
Đĩa đơn thứ 5 của Nakamori Akina “Twilight -Yuugure Dayori-” được phát hành vào chặng cuối của tour diễn toàn quốc đầu tiên “Akina Milkyway’83 Haru no Kaze wo Kanjite” (19 buổi diễn tại 18 thành phố toàn quốc), lần đầu góp mặt trên bảng xếp hạng single của Oricon ở vị trí thứ 2, và cuối cùng cũng dừng lại ở vị trí thứ 2.

Akina cho biết “Đây là một tác phẩm bình yên nên tôi rất thích”, nhưng mặt khác cũng bộc bạch rằng ca khúc giàu cảm xúc, và ban đầu cô đã nghĩ là nó “rất rất khó hát”. Điều khiến Akina đặc biệt lo lắng là phần mở đầu bài hát.

“Giọng tôi vốn dĩ trầm, nên lúc nào cũng lo lắng khi hát phần mở đầu với những nốt cao.”

Tuy nhiên, một người trong giới âm nhạc hiểu rõ về Akina cho biết.

“Nhiều người xung quanh cho rằng đây là bài hát nổi tiếng nhất trong bộ 3 tác phẩm ballad “Slow Motion”, “Second Love” và “Twilight”. Nhưng không thể phủ nhận, nó có hơi quá sức so với một Akina chỉ mới 17 tuổi. So với ấn tượng từ “Second Love” và “1/2 no Shinwa”, thì ca khúc quả thật lép vế. Có lẽ nó có phần đi chệch hướng với mong đợi của khán giả đối với tác phẩm của Akina. Tuy nhiên nếu nghĩ theo một cách khác, đó có thể là hồi kết của concept một cô gái có thể kết nối bộ 3 tác phẩm ballad và bộ 3 tác phẩm nổi loạn. Dù nói vậy, nhưng đây chỉ là quan điểm của tôi về kết quả đứng thứ 2 chung cuộc mà thôi.”

Trong lúc ấy, tác phẩm thứ 3 “Kinku” trong bộ 3 tác phẩm nổi loạn tiếp sau “Shojo A”, “1/2 no Shinwa” được ấn định phát hành. Đây là single thứ 6 của Akina được phát hành vào ngày 7/9.

Lời bài hát cũng giống như 2 tác phẩm trước, do Urino Masao phụ trách, còn phần nhạc do Hosono Haruomi nổi tiếng của ban nhạc Yellow Magic Orchestra (YMO) đảm nhận.

Những năm 1970s, Hosono cùng với Ohtaki Eiichi, Matsumoto Takashi, và Suzuki Shigeru đã cùng thành lập Happy End, ban nhạc đặt nền móng cho nhạc rock Nhật Bản. Ngoài ra, ông còn lập nên Tin Pan cùng với Matsutoya Masataka và những người khác, đồng thời cũng tham gia vào nhóm sản xuất âm nhạc của Arai Yumi (nay là Matsutoya Yumi), nhưng sau đó hoạt động như một thành viên của YMO cùng với Sakamoto Ryuichi và Takahashi Yukihiro.

Một trưởng lão trong ngành hiểu rõ về thời đó cho biết.

“Ban đầu, tác phẩm của Akina dự định sẽ là “Kageki na Shukujyo”, do Matsumoto Takashi viết lời và 3 người của YMO sáng tác nhạc. Nhưng cũng như bộ 3 bài ballad của chị em Kisugi Etsuko và Takao, đội ngũ sản xuất của Akina muốn tác phẩm thứ 3 trong bộ 3 bài nổi loạn cũng sẽ do Urino Masao phụ trách. Và cuối cùng, “Kinku” do Hosono viết nhạc đã được chọn. “Tengoku no Kiss” mà Hosono cung cấp cho Matsuda Seiko trước đó đã thành công rực rỡ, nên đương nhiên rất được kỳ vọng.”

Tiện đây thì “Kageki na Shukujyo” cũng là single thứ 8 của YMO được phát hành vào ngày 27/7/1983.

“Bản thân ca khúc đó cũng rất xuất sắc, nên tôi nghĩ nếu để Akina hát nó cũng sẽ nổi tiếng. Đây cũng là tác phẩm mà họ rất tâm đắc.”

Mặt khác, Urino đã kể về “Kinku” trong chương trình “Naming Variety Nihonjin no Onamae!” phát sóng trên NHK vào ngày 24/9.

“Thời còn làm copywriter, tôi từng đồng hành cùng ALICE (một ban nhạc folk) đến một buổi diễn ở Bắc Kinh, Trung Quốc (tháng 5/1981). Khi đó tôi đang đi bộ bên trong khu biểu diễn, thì đến một cánh cửa ở phía sau, nơi đó có viết hai chữ lớn “Cấm Khu” (Kinku). Hai từ này thật sự cho tôi một cảm giác cự tuyệt mạnh mẽ mà tôi chưa từng trải qua. Tôi đã nghĩ rằng, lúc nào đó tôi sẽ sử dụng cụm từ “Kinku” này. Nó đã trở thành tiêu đề ca khúc của Akina, kết quả tác phẩm đã gây ấn tượng và tôi rất thích nó.”


(Kỳ 59)
Thật tâm chỉ cảm thấy không hài lòng về kế hoạch quảng bá?
Tuổi 17 điềm tĩnh lạ kỳ khiến bầu không khí có chút khác thường.

zakzak (16.02.2021)
“Ngay từ đầu chúng tôi đã không có ý định nuôi dưỡng cô ấy thành một thần tượng đơn thuần.”

Terabayashi Akira (hiện là cố vấn bộ phận kinh doanh của Avex Entertainment Label), người đã phụ trách sản xuất quảng bá cho Nakamori Akina tại Warner Pioneer (hiện là Warner Music Japan) thời điểm đó, chia sẻ.

“Lần đầu nghe giọng ca của cô ấy tại chương trình “Star Tanjou!” (Nihon TV), tôi đã tin chắc rằng, cô bé này sẽ lột xác nếu được nuôi dưỡng như một vocalist. Giờ nhìn lại toàn bộ quá trình thì thấy đơn giản, nhưng quả thật công sức của staff và vận may của cô ấy rất lớn. Chúng tôi kiên quyết tạo ra những tác phẩm có concept từ trước khi cô ấy ra mắt, và rõ ràng giọng ca của cô ấy đã vừa khớp với thời đại.”

Năm thứ 2 debut. Đối với Terabayashi, single thứ 6 “Kinku” ra mắt vào ngày 7/9/1983 là một khoảng nghỉ.

“Thời điểm đó, bộ đôi Kisugi Etsuko và Kisugi Takao được biết đến với bài hit “Sailor Fuku to Kikanju”, ca khúc debut của Yakushimaru Hiroko, nhưng họ vẫn chưa phải những tên tuổi lớn. Tuy nhiên, chiến lược xen kẽ “bộ 3 tác phẩm ballad” của bộ đôi này là “Slow Motion”, “Second Love”, “Twilight -Yuugure Dayori-”, và “bộ 3 tác phẩm nổi loạn” của nhà viết lời chưa có tên tuổi xuất thân từ copywriter là Urino Masao, đã thành công lớn. Mặc dù việc sản xuất có chút quanh co, nhưng kết quả đã có thể tiến công bằng bộ 3 tác phẩm “Shojo A”, “1/2 no Shinwa”, và “Kinku”. Trong “Hana no 82-nen gumi”, Akina ra mắt muộn hơn, dù thế nào cũng vẫn có cảm giác chậm trễ. Tôi muốn tạo sự khác biệt bằng cách sử dụng 2 phong cách khác nhau để làm nổi bật giọng hát của Akina. Chiến lược quảng bá ngay từ đầu đã được vạch ra như thế.”

Giờ nhìn lại, việc này không phải là không có liên quan tới “Utahime series” sau này.

“Twilight -Yuugure Dayori-” tuy được đánh gia cao, nhưng lại là tác phẩm bán chậm của Akina, single tiếp sau “Kinku” với sự kết hợp mới lạ của Urino và Hosono Haruomi, người đang hoạt động trong Yellow Magic Orchestra (YMO) vào thời đó, đã gây chú ý.

“Năm ấy, “Tengoku no Kiss” của Matsuda Seiko do Hosono chấp bút đã thành công lớn, còn “Kinku” của Akina do Hagita Mitsuo soạn với âm thanh techno. Có lẽ sự tương phản này đã hiệu quả. Dòng chảy thay đổi lớn, dẫn đến sự đột phát của Akina.” (Người liên quan âm nhạc biết về thời đó)

Mặt khác, Tanaka Yoshiakira (hiện là tác giả hoạt động dưới tên “Sawasato Yuuji”), người phụ trách quảng bá cho Akina tại Warner, nhớ lại.

“Tôi không tham gia quá trình quảng bá vào thời điểm debut, nhưng không giống các thần tượng khác, so ra thì ở trường hợp của Akina, công ty thu âm có phần giữ vai trò chủ đạo. Có lẽ văn phòng quản lý lần đầu nhúng tay vào lĩnh vực nghệ sĩ, nên đành phải giao phó như thế. Khi tôi bắt đầu được giao phụ trách công việc, thì công ty thu âm và văn phòng đã thống nhất hòa hợp trong việc quảng bá, nhưng một staff như tôi cảm thấy, bản thân Akina thật sự trong lòng có nhiều bất mãn. Chỉ là cô ấy không nói ra… tôi cảm giác như thế. Có lẽ do người phụ trách quảng bá tiền nhiệm đã phụ trách từ khi ra mắt, và cũng hợp tính với Akina, nên quả nhiên khi thay đổi người phụ trách, thì bầu không khí cũng hoàn toàn thay đổi. Akina đặc biệt nhạy cảm. Mới tầm 17 tuổi đã điềm tĩnh lạ kỳ, khiến bầu không khí cũng có chút khác thường.”

Trong lúc ấy, công việc quảng bá cho “Kinku” cũng bắt đầu.


(Kỳ 60)
Va phải bức tường không mong muốn trong quá trình quảng bá “Kinku”.
Phát thanh viên và DJ các đài đều hỏi “Đọc thế nào đây?”

zakzak (23.02.2021)
Single thứ 6 của Nakamori Akina “Kinku” được phát hành vào ngày 7/9/1983.

Với single này, concept âm nhạc của Akina từ trước khi debut gồm “bộ 3 bài ballad” - “Slow Motion”, “Second Love”, “Twilight -Yuugure Dayori-”, và “bộ 3 bài nổi loạn” - “Shojo A”, “1/2 no Shinwa”, “Kinku” đã hoàn thành.

Tanaka Yoshiakira (hiện là tác giả hoạt động dưới tên “Sawasato Yuuji”), người phụ trách quảng bá cho Akina lúc bấy giờ tại bộ phận quảng bá âm nhạc Nhật Bản của Warner Pioneer (hiện là Warner Music Japan) nhớ lại, “Đâu đó trong lòng tôi cảm giác như vừa đạt được một thành tựu”.

“Tôi bắt đầu phụ trách quảng bá cho cô ấy từ “1/2 no Shinwa”, nhưng đã có một chiến lược tỉ mỉ bao gồm âm nhạc dành cho Akina rồi. Dù sao thì sức ảnh hưởng của cô ấy rất lớn. Chẳng biết từ khi nào, những người xung quanh đã gọi cô ấy là “Hậu (Yamaguchi) Momoe”, nhưng dù Akina vẫn còn là tân binh, thật kỳ lạ rằng dường như cô ấy chẳng để tâm đến mọi người xung quanh. Còn chúng tôi tất nhiên luôn để ý đến xung quanh rồi… Tuy nhiên cô ấy vẫn giữ lập trường rõ ràng rằng “Tôi chính là tôi”. Hơn nữa, dù là tư cách nghệ sĩ hay vocalist, cô ấy đều nổi bật. Mặc dù tôi nghe nói bản thân cô ấy không thích “Shojo A” hay “1/2 no Shinwa”, cũng không gặp Urino (Masao = nhà viết lời) nhiều, nhưng xét về kết quả, việc lặp lại 2 mẫu ca khúc này lại phù hợp với tính nghệ sĩ của cô ấy.”

Điều mà Tanaka vẫn nhớ về “Kinku” cho đến tận bây giờ, là tình huống anh gặp phải khi quảng bá cho các đài radio.

“Các thanh viên và DJ đều hỏi cùng một vấn đề “Tựa bài hát này đọc thế nào vậy?”. Có lẽ do cụm từ này không có trong tiếng Nhật, nên cũng không nằm trong quy định phát âm của phát thanh viên và DJ.”

Vốn tựa đề này là những từ được viết lớn trên cánh cửa mà Urino nhìn thấy khi đi quanh phía sau của hội trường biểu diễn, nhân dịp ông ghé thăm Trung Quốc trong buổi lưu diễn Bắc Kinh của ban nhạc ALICE của Tanimura Shinji và Horiuchi Takao. Urino từng nói rằng, từ “Kinku” (Cấm khu/ Vùng cấm) cho anh một cảm giác áp đảo chưa từng có, và nung nấu ý định “Lúc nào đó, mình sẽ dùng cụm từ này.”

Tóm lại, tiêu đề này gần với tiếng Trung Quốc hơn là tiếng Nhật.

“Nếu đó là từ “Kinku” (Cấm cú/ Từ cấm) thì tôi biết cách phát âm.”

“Nhưng đó lại là từ khác rồi.”

Lúc ấy, người dẫn chương trình radio Yuasa Akira đã chỉ ra như thế.

Đáng lẽ phải đi quảng bá ca khúc, nhưng “Cảm giác như va phải một bức tường” không ngờ đến.

“Nói thật tôi đã gặp rắc rối. Khi quảng bá ca khúc, tôi phải phát âm thế nào để giới thiệu? Tất nhiên, chỉ cần phát bài hát lên là được, nhưng điều quan trọng trong phát sóng radio là lời nói. Nếu không giới thiệu tựa bài hát đàng hoàng thì không được. Nếu là “Kinku” (Từ cấm) thì ngữ điệu của “-ku” sẽ hướng xuống. Nhưng nếu là “Kinku” (Cấm khu) thì ngữ điệu “-ku” nên hướng lên. Vậy là sau khi thảo luận, đã thống nhất ngữ điệu hướng lên khi giới thiệu tựa bài hát ở các đài radio… tóm lại là phát âm lên giọng cuối từ là tốt nhất.”

Và như thế, trong một thời gian, tựa đề ca khúc đã được giới thiệu với cách phát âm đó, nhưng có lúc mọi thứ đã thay đổi lớn.

“Bản thân Akina lại phát âm xuống giọng ở cuối từ trong chương trình âm nhạc trên truyền hình. Lúc nào phát âm tiêu đề, cô ấy cũng hạ giọng cuối từ cả. Rốt cuộc, vì bản thân người nói không để ý việc phát âm mà đi đến quyết định như thế. Hồi đó chúng tôi đã thảo luận rất nhiều về cách đọc tiêu đề, nhưng cho đến giờ vẫn chưa rõ như thế nào mới là đúng. Dù sao thì, chưa vội nói đến cô ấy, thì các staff đều sôi nổi cả lên.”

Vào ngày 19/9/1983, “Kinku” lần đầu có mặt trên bảng xếp hạng single tuần Oricon và giành được vị trí đầu tiên.

(Phóng viên giải trí - Watanabe Yuuji)



No comments:

Post a Comment